Chị Nguyễn Thị Anh Đào làm giàu từ mô hình trang trại chăn nuôi lợn

Chị Nguyễn Thị Anh Đào làm giàu từ mô hình trang trại chăn nuôi lợn
Chăn nuôi lợn theo hướng tập trung ở Vĩnh Linh.Ảnh: baoquangtri.vn
Chăn nuôi lợn theo hướng tập trung ở Vĩnh Linh.Ảnh: baoquangtri.vn
Trang trại nuôi lợn nái công nghệ cao khép kín chuồng lạnh (nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn được giữ ở 30 độ C, là khung nhiệt độ miễn dịch cho đàn lợn) của gia đình chị Nguyễn Thị Anh Đào được xây dựng trên diện tích 1 ha tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh vào năm 2017. Chị Đào cho biết: Trang trại được xây dựng và đi vào hoạt động có tổng số vốn hơn 15 tỷ đồng từ nguồn vốn của gia đình và vay mượn bạn bè, người thân và vay của ngân hàng. Trang trại được xây dựng, bố trí khoa học, hợp lý với các dãy nhà: Chuồng úm lợn con (có thể úm được cùng lúc khoảng 400 con), phòng lấy tinh, chuồng nuôi lợn đực lấy tinh, chuồng hậu bị, chuồng phối, chuồng lợn bầu, chuồng đẻ, kho thức ăn và vôi khử trùng, phòng khử trùng cho người và vật dụng trước khi ra vào trang trại, nhà bảo vệ,… Với 200 lợn nái, mỗi năm trang trại sản xuất được khoảng 4.000 lợn giống cung ứng cho thị trường (bình quân lợn nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 10 - 12 con). Chị nguyễn Thị Anh Đào tính toán: Với giá cả thị trường hiện tại, lợn giống của trang trại được bán với giá 1,4 triệu đồng/con, mỗi năm trang trại đạt doanh số khoảng 6,72 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí: Thức ăn, nhân công, điện, thuốc phòng chống dịch bệnh,… gia đình chị còn lãi khoảng 2,4 tỷ đồng (bình quân mỗi con lợn giống cho gia đình chị lãi 600 ngàn đồng). Được biết, do lợn giống của trang trại được nuôi dưỡng trong môi trường khép kín, không bệnh nên rất được thị trường ưa chuộng. Khi có nhu cầu mua lợn của trang trại, người nuôi phải đặt cọc trước 1 tháng. Để có được tín nhiệm của người nuôi về lợn giống mà trang trại sản xuất, ngoài được nuôi theo mô hình công nghệ cao khép kín chuồng lạnh, trang trại luôn thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt công tác phòng trừ dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ vắc xin các loại dịch bệnh, mỗi khi ra vào trang trại đều phải đi qua phòng khử trùng cả người và vật dụng theo kèm. Ngoài ra, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường của trang trại cũng rất được quan tâm, tất cả lượng phân lợn thải ra đều được chị sử dụng chế phẩm IM để xử lý, không gây mùi hôi độc hại ra xung quanh. Nhờ đó, kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, mặc dù trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có xuất hiện dịch bệnh nhưng đàn lợn của trang trại vẫn miễn dịch hoàn toàn,... Để đạt được thành quả như ngày hôm nay, ít người biết được chị Nguyễn Thị Anh Đào và các thành viên trong gia đình đã phải chung sức nỗ lực rất lớn. Chị tâm sự: Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, để mưu sinh cho cả nhà, 2 vợ chồng tôi không ngại từ bất kể việc gì từ buôn thúng, bán bưng miễn sao là lương thiện để cả gia đình sinh sống. Dần dà, do chi tiêu khoa học, tích cóp được lưng vốn, vào năm 2015, khi thấy thị trường có nhu cầu cao về tinh bột nghệ nên tôi đã chủ động bàn với mấy chị em phụ nữ có cùng hoàn cảnh trong khu phố thành lập tổ hợp tác sản xuất tinh bột nghệ để phát triển kinh tế. Không dừng lại, vào năm 2016 tôi còn làm đại lý phân phối thức ăn gia súc cho tập đoàn Dabaco Việt Nam. Và ý tưởng thành lập trang trại nuôi lợn nái sinh sản để phát triển kinh tế được hình thành từ những ngày tôi làm đại lý phân phối thức ăn gia súc cho tập đoàn Dabaco, khi thấy điều kiện khí hậu thời tiết tại địa phương mình sinh sống phù hợp nên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn nái sinh sản công nghệ cao khép kín chuồng lạnh để phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ phát triển kinh tế, mà qua trang trại, gia đình tôi đã trực tiếp giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương từ 4 - 20 triệu đồng/người và gián tiếp cho nhiều lao động khác. Chị Nguyễn Thị Anh Đào cho biết: Trong năm 2019, chị đã có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm 1 trang trại nuôi lợn thịt rộng 2,5 ha, nuôi khoảng 1.000 con, mỗi năm nuôi 3 lứa. Lợn thịt được nuôi trong vòng khoảng 3,5 tháng đạt trọng lượng khoảng 110 kg. Dự kiến, mỗi năm trang trại lợn thịt sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 con lợn thịt có tổng trọng lượng khoảng 330 tấn thịt lợn hơi/năm. Với giá cả thị trường hiện nay, lợn hơi có giá khoảng 48 ngàn đồng/kg, trang trại lợn thịt của chị sẽ đạt doanh số khoảng gần 16 tỷ đồng, sau khi trừ đi tất cả các chi phí, trạng trại lợn thịt sẽ cho gia đình chị lãi ròng khoảng 3 tỷ đồng. Dự kiến, với 2 trang trại nuôi lợn nái sản xuất con giống lạnh trang trại nuôi lợn thịt sẽ cho gia đình chị Nguyễn Thị Anh Đào đạt doanh số khoảng 22,5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ đi các chi phí chị Nguyễn Thị Anh Đào còn lãi khoảng 5,5 tỷ đồng. Chị Trương Thị Lệ chi - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Vĩnh Linh cho biết: Chị Nguyễn Thị Anh Đào hiện nay là một trong những gương sáng về phát triển kinh tế của Hội phụ nữ tỉnh Quảng Trị để chị em học tập noi theo. Tuy kinh doanh bận rộn, nhưng Chị Nguyễn Thị Anh Đào là người sống rất có trách nhiệm, có tình làng nghĩa xóm và hay giúp đỡ mọi người. Khi có bất cứ người nào trong khu phố hay người làm trong trang trại bị ốm đau thì chị Đào đều trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và kịp thời hỗ trợ về vật chất. Ngoài ra, bình quân mỗi năm chị còn trao khoảng 20 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong huyện, bình quân mỗi suất quà có trị giá từ 300 - 500 ngàn đồng,… Không những giỏi về phát triển kinh tế, mà nhiều năm qua chị cũng là một trong những Chi hội Trưởng chi hội xóm phố tiêu biểu của huyện trong các hoạt động của hội.
Trịnh Bang Nhiệm

Có thể bạn quan tâm