Chị Đặng Thị Thu - Người phụ nữ Dao với quyết tâm thoát nghèo

Chị Đặng Thị Thu - Người phụ nữ Dao với quyết tâm thoát nghèo
Chị Thu chăm sóc vườn bưởi mới trồng. Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Chị Thu chăm sóc vườn bưởi mới trồng. Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Khi còn nhỏ theo bố mẹ rời mảnh đất Quảng Ninh lên Tuyên Quang khai hoang làm kinh tế, sau khi lập gia đình, chị cùng chồng là anh Vũ Ngọc Đình (cùng dân tộc Dao) với tư duy năng động, không lùi bước trước hoàn cảnh khó khăn, luôn học hỏi, tìm tòi những hướng đi mới để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chị Thu chia sẻ: "Trước kia gia đình tôi trồng mía, nhưng giá mía đường giảm mạnh nên nông dân phải ăn “mía đắng”, doanh nghiệp mía đường không thu mua đúng giá cam kết nên gia đình buộc phải tìm cách thay thế bằng cây trồng khác. Khi trồng sang chuối và sắn, dù năng suất khá cao nhưng lại không đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, năm 2018, gia đình tôi cũng đã phải bán toàn bộ máy móc chế xuất bột sắn". Sau khi có chủ trương của xã Phúc Ninh tạo điều kiện cho các hộ nông dân đi thăm quan một số mô hình thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang, chị Thu cùng chồng đã quyết định chọn cây bưởi và cây na để trồng đại trà. Từ một hộ thuần nông, đến nay, gia đình chị Thu không những thoát nghèo thành công, mà còn trở thành hình mẫu trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Trang trại của gia đình chị Thu có diện tích hơn 4,5 ha, ngoài 700 gốc bưởi; trong đó có 500 gốc bưởi đã cho thu hoạch, 1000 gốc na, gia đình chị còn kết hợp nuôi gà, thả cá mỗi năm cho thu nhập ổn định trên 700 triệu đồng.
Chị Thu chăm sóc vườn rau sạch. Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Chị Thu chăm sóc vườn rau sạch. Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Gia đình chị Thu có 5 người con đều đã trưởng thành, 3 con gái đã lập gia đình, con trai lớn của chị còn được bà con trong thôn tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn. Gia đình chị Thu nhiều năm liền là gia đình văn hóa, luôn đi đầu trong việc tham gia các công tác xã hội tại địa phương, sống hòa đồng với bà con trong thôn. Chị Thu cũng là thành viên của Hội Phụ nữ thôn Lục Mùn, chị luôn nhiệt tình đóng góp công sức cũng như chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ nhiều hội viên trong hội cùng nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chị Vũ Thị Hải Đại, thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, là một hội viên hội phụ nữ thôn, chị Thu đã không ngần ngại chia sẻ với các hội viên khác trong hội phụ nữ thôn về cây bưởi, về những kinh nghiệm chị học tập được khi đi thăm các mô hình đã thành công trong tỉnh. Chị còn chia sẻ từ cách thức canh tác, chăm sóc, cách bón phân, cách tạo quả để tăng năng suất cho cây bưởi. "Gia đình tôi cũng đã trồng hơn 200 gốc, thu nhập tuy chưa cao nhưng bước đầu cũng đã ổn định hơn trước nhiều", chị Đại nói.
500/700 gốc bưởi của gia đình chị Thu đã cho thu hoạch. Ảnh: Nam Sương – TTXVN
500/700 gốc bưởi của gia đình chị Thu đã cho thu hoạch.
Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Chị Phạm Thị Hoàn, Chủ tịch hội Phụ nữ xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) khẳng định, trong hoạt động của hội phụ nữ thôn, chị Thu không chỉ là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, mà còn là một người chị luôn quan tâm, chia sẻ với các thành viên khác trong việc chăm sóc, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thành công trong mô hình trang trại của gia đình chị Thu còn được hội phụ nữ thôn học tập và nhân rộng, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho các gia đình hội viên khác trong thôn Lục Mùn nói riêng và xã Phúc Ninh nói chung. Ngoài việc tích cực tham gia công tác hội phụ nữ thôn, chị Thu còn tham gia Câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao”, nơi gắn kết cộng đồng người Dao của thôn Lục Mùn cũng như xã Phúc Ninh. Chị Thu cũng góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục cũng như nghề thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào Dao (Thanh Y). Tới đây, chị Thu sẽ tiếp tục phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng kết hợp với làm du lịch sinh thái. Chị Thu chia sẻ, gia đình chị sẽ đi học tập một số mô hình du lịch nghỉ dưỡng homestay ở các nơi khác trong tỉnh để mang về thử nghiệm tại nhà. Xã Phúc Ninh có nhiều địa điểm có giá trị phát triển du lịch sinh thái, khám phá rất hấp dẫn nhưng chưa có điều kiện để khai thác. Chị cũng mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm làm du lịch với bà con trong thôn để mọi người cùng tham gia.
Nam Sương

Có thể bạn quan tâm