Chế biến sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị nông sản ở Sơn La

Nhân viên Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La chế biến long nhãn. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Nhân viên Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La chế biến long nhãn. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Sơn La là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 toàn quốc, tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 nên lượng tiêu thụ sụt giảm, nhiều loại hoa quả khó khăn khi tìm đầu ra.

Chế biến sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị nông sản ở Sơn La ảnh 1Nhân viên Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La chế biến long nhãn. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Để giải quyết bài toán này, tỉnh Sơn La đã tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy, dây chuyền chế biến rau củ quả tươi. Điều này không chỉ giúp nông sản Sơn La tìm được đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm, gỡ khó cho người nông dân mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu nhiều sản phẩm sau chế biến.

Khoảng 10 năm trước đây, toàn bộ khu đồi đất dốc hơn 1 ha của gia đình chị Đỗ Thị Thảo ở xã Nà Mường, huyện Mộc Châu chỉ trồng ngô và sắn. Đất đai bị rửa trôi, bạc màu dần, trong khi đó cây ngô, cây sắn đòi hỏi đầu tư, nhưng giá trị thu về lại thấp.

Nhưng từ khi có chủ trương của tỉnh Sơn La về trồng cây ăn quả trên đất dốc, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cam. Sau 3 năm đầu tư chăm chút, mảnh đất khô cằn sỏi đá ngày nào đã cho thu hoạch bằng những vụ cam trĩu quả. Gia đình chị cũng đã tham gia vào hợp tác xã và trở thành vùng nguyên liệu cam phục vụ cho cơ sở chế biến.

Chị Đỗ Thị Thảo chia sẻ, trước kia trồng ngô, trồng sắn chỉ đạt tầm 10 triệu/ha, nhưng từ khi chuyển sang trồng cam đã mang lại thu nhập tầm 100 triệu mỗi năm. Ngoài ra, từ khi tham gia vào Hợp tác xã Tiên Phong thì đã được hướng dẫn về kỹ thuật trồng cam.

Chế biến sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị nông sản ở Sơn La ảnh 2Đóng gói sản phẩm long nhãn tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La để đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Thành lập từ năm 2018, đến nay, Hợp tác xã Tiên Phong (huyện Mộc Châu) có 8 thành viên, với tổng diện tích 150 ha. Sản phẩm của Hợp tác xã chủ yếu là cam, bưởi da xanh, nhãn. Hai năm trở lại đây, do dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm, song các thành viên của hợp tác xã vẫn có nguồn thu tương đối ổn định, do cam kết bán sản phẩm cho Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

Anh Đỗ Tiến Khoa, Giám đốc Hợp tác xã Tiên Phong cho biết, được sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, Hợp tác xã đã ký kết với Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, nên yên tâm nguồn đầu ra cho sản phẩm và không lo bấp bênh như những năm trước. Thời điểm trước, cứ được giá mất mùa hoặc được mùa thì mất giá, nay Hợp tác xã không phải lo đến việc này nữa.

Mấy năm trở lại đây, Sơn La được đánh giá là hiện tượng nông nghiệp của cả nước và là địa phương được kỳ vọng trở thành trung tâm chế biến nông sản của khu vực Tây Bắc. Với diện tích cây ăn quả đứng thứ 2 toàn quốc, nổi tiếng với mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc và có nhiều loại sản phẩm xuất khẩu đi các quốc gia trên thế giới, việc ra đời các nhà máy, cơ sở chế biến hoa quả sau thu hoạch được xem là lời giải cho bài toán nâng cao giá trị nông sản cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm tại địa phương này.

Anh Lương Quốc Hoàn, Giám đốc Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ thuộc Tập đoàn TH thông tin, để xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy đã liên kết với chính quyền địa phương để quy hoạch các vùng nguyên liệu hiện có. Từ đó, nhà máy tiến hành khảo sát, đánh giá vùng nguyên liên và đến các hợp tác xã trồng hoa quả theo mô hình VietGAP, hữu cơ để ký kết bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 80.000 ha cây ăn quả các loại. Sự xuất hiện của các nhà máy, cơ sở chế biến hoa quả sau thu hoạch mở ra hy vọng về đầu ra cho trái cây Sơn La như cam, chanh leo, sơn tra, nhãn, xoài… và tạo điều kiện cho các hộ gia đình, hợp tác xã kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm