Châu Đốc tập trung phát huy tiềm năng du lịch

Châu Đốc tập trung phát huy tiềm năng du lịch
Vùng đất giàu tiềm năng

Châu Đốc được hình thành cách đây gần 300 năm, nơi đây có đồng bào người Kinh, Khmer và cả người Hoa, Chăm, Ấn, Malaysia từng sinh sống…, tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo của vùng đất này.
 
Làng nuôi cá bè Châu Đốc ở ngã ba sông Châu Đốc giao với sông Hậu là một điểm hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Làng nuôi cá bè Châu Đốc ở ngã ba sông Châu Đốc giao với sông Hậu là một điểm hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Thành phố Châu Đốc có diện tích tự nhiên trên 10.500 ha, hơn 127.000 người dân, được chia thành 7 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 5 phường, 2 xã. Châu Đốc là trung tâm kinh tế, văn hóa, trung tâm du lịch của tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi giao nhau giữa sông Hậu và sông Châu Đốc, có đường biên giới tiếp giáp huyện Praychusa, tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia; là đầu mối đến 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia: Tịnh Biên, Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú).

Theo Tiến sĩ Ngô Thanh Loan, Khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Châu Đốc được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia và các nước Đông Nam Á, bằng đường thủy lẫn đường bộ.

Bên cạnh những danh lam thắng cảnh hữu tình, ngã ba sông thơ mộng, Châu Đốc còn có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử thời kỳ mở đất, trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm như: Kênh Vĩnh Tế, pháo đài núi Sam, căn cứ B2, khu vực Ba Ông Đá...
 
Khu du lịch cáp treo chùa Bà Chúa Xứ núi Sam mới đưa vào phục vụ du khách. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Khu du lịch cáp treo chùa Bà Chúa Xứ núi Sam mới đưa vào phục vụ du khách. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Ngoài ra, Châu Đốc có các di tích được xếp hạng cấp quốc gia như miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng ông Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Phước Điền, đình thần Châu Phú...  Trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các mặt hàng khô, mắm truyền thống nổi tiếng trong, ngoài nước.

Ông Cao Xuân Bá, Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc cho biết, với tiềm năng sẵn có, mỗi năm Châu Đốc đón trên 4 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch, hành hương, nghiên cứu, nhất là vào dịp lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam; chiếm tới 80% lượng du khách của toàn tỉnh.

“Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2018, Châu Đốc đón gần 5 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, hành hương; doanh thu ước đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 2,45% so với cùng kỳ”, ông Bá cho biết thêm.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc Cao Xuân Bá, sau 5 năm được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh An Giang (2013-2018), kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Châu Đốc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu chủ yếu về dịch vụ, thương mại, du lịch, thu ngân sách… của thành phố hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng và đưa vào sử dụng 15 công trình, với tổng kinh phí 610 tỷ đồng. Đặc biệt, 100% xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, đưa Châu Đốc trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh An Giang hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Lĩnh vực Giáo dục-đào tạo được thành phố quan tâm thực hiện, hệ thống trường lớp được đầu tư, chất lượng giáo dục được nâng cao. Toàn thành phố hiện có 25/35 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt, chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở đáp ứng nhu cầu của người dân; 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các chính sách an sinh xã hội được các cấp, các ngành thực hiện kịp thời và đầy đủ; 100% hộ chính sách được xây dựng nhà tình nghĩa và có đời sống ổn định. Hằng năm, thành phố vận động Quỹ Xã hội - từ thiện được trên 10 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội… Đến năm 2015, Châu Đốc không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ, hiện thành phố chỉ còn 0,66% hộ nghèo và 2,71% hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều.

Dọc theo tuyến đường tránh quốc lộ 91 vào Khu Du lịch Núi Sam-chùa Bà (Châu Đốc) nằm giữa cánh đồng lúa xanh ngát, đẹp như tranh vẽ, những khu vườn sinh thái đang dần được hình thành. Đường Tân Lộ Kiều Lương kết nối trung tâm thành phố Châu Đốc với Khu Du lịch Quốc gia núi Sam-chùa Bà được đầu tư mở rộng, nhiều công trình đang được thi công, nhà cửa khang trang mọc lên…

Tập trung phát triển du lịch

Mặc dù có nhiều lợi thế, có vị trí quan trọng về kinh tế, thương mại biên giới, đặc biệt là có thế mạnh về du lịch tâm linh gắn quần thể di tích văn hóa - lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia như: Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam…, song đến nay du lịch Châu Đốc vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Theo Tiến sĩ Ngô Thanh Loan, Khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch của thành phố Châu Đốc chưa được đầu tư đồng bộ; chất lượng dịch vụ đi kèm còn yếu kém. Thành phố còn thiếu chỗ tham quan, vui chơi giải trí; số khách sạn, nhà hàng đạt chuẩn còn thiếu, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách...  
Một góc thành phố Châu Đốc bên bờ sông Hậu. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Một góc thành phố Châu Đốc bên bờ sông Hậu. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

“Thế mạnh của du lịch Châu Đốc là du lịch tâm linh. Tuy nhiên, khách đến Châu Đốc hiện nay phải gọi đúng nghĩa là hành hương chứ không phải đi du lịch; du khách tới Châu Đốc chiêm bái xong rồi về, không ở lại, không chi tiêu. Do đó, mặc dù lượt du khách đến nhiều nhưng doanh thu từ hoạt động du lịch thì không có…”, Tiến sĩ Ngô Thanh Loan phân tích.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt cho rằng, thế mạnh của Châu Đốc là du lịch, nhất là du lịch tâm linh. Tuy nhiên, lượng du khách trong và ngoài nước đến Châu Đốc thời gian qua còn thấp, nguồn thu từ du lịch chưa cao. Du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố…
 
Chợ Châu Đốc với các đặc sản nổi tiếng luôn nhận được sự quan tâm của du khách khi đến Châu Đốc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Chợ Châu Đốc với các đặc sản nổi tiếng luôn nhận được sự quan tâm của du khách khi đến Châu Đốc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Chợ Châu Đốc với các đặc sản nổi tiếng, luôn nhận được sự quan tâm của du khách khi đến Châu Đốc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Chợ Châu Đốc với các đặc sản nổi tiếng, luôn nhận được sự quan tâm của du khách khi đến Châu Đốc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Bên cạnh đó, việc quy hoạch du lịch ở thành phố còn manh mún, thiếu sự liên kết, chưa tạo được điểm nhấn. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp, chưa xây dựng được chiến lược xúc tiến một cách bài bản, chưa có những tour, tuyến đặc sắc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

“Để du lịch Châu Đốc sắp tới chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp và phát triển một cách bền vững, thành phố cần tập trung khắc phục những tồn tại yếu kém, trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Thành phố cần tăng cường mời gọi đầu tư, nhất là đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; đổi mới truyền thông quảng bá du lịch Châu Đốc-An Giang; hướng tới mục tiêu cộng đồng dân cư làm du lịch”- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh.

Ông Cao Xuân Bá, Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc cho biết, Châu Đốc xác định du lịch văn hóa tâm linh là sản phẩm du lịch đặc trưng và là tiềm năng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội của địa phương. Chính vì vậy, địa phương nỗ lực  thực hiện nhiều giải pháp nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch… Trong đó, thành phố tập trung đầu tư các dự án trọng điểm như: Cầu Châu Đốc, đường nối tuyến tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông, dự án Công viên Văn hóa núi Sam với tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 81m, hệ thống cáp treo phục vụ du khách...

Song song với việc phát triển du lịch tâm linh, Châu Đốc sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng đầu tư khai thác các tuyến, điểm du lịch trọng điểm như du lịch tâm linh, du lịch hành hương khám phá, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, trong đó ưu tiên phát triển một số dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhằm “giữ chân” du khách…

Bên cạnh đó, Châu Đốc tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm khai thác các tiềm năng về du lịch tâm linh; hình thành các tour du lịch liên hoàn, hấp dẫn. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 thu hút khoảng 6,5 triệu lượt du khách…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc Cao Xuân Bá, để Châu Đốc xứng đáng là một thành phố du lịch trọng điểm của tỉnh cũng như của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian tới thành phố tiếp tục phát huy tiềm năng và khai thác triệt để thế mạnh, phấn đấu xây dựng Châu Đốc trở thành thành phố thương mại, du lịch văn minh hiện đại, gắn với tăng trưởng xanh, bền vững.
Công Mạo
TTXVN

Có thể bạn quan tâm