Chăn nuôi gia súc - hướng giảm nghèo bền vững cho nông dân vùng cao Lai Châu

Chăn nuôi gia súc - hướng giảm nghèo bền vững cho nông dân vùng cao Lai Châu
Gia đình bà Tẩn Thị Ly ở bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, nhờ nuôi bò không những đã thoát nghèo, mà còn có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng lên đến hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Gia đình bà Tẩn Thị Ly ở bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, nhờ nuôi bò không những đã thoát nghèo, mà còn có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng lên đến hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Bà Tẩn Thị Ly ở bản Cư Nhà La cũng như các hộ dân khác ở xã Sùng Phài, huyện Tam Đường trước đây chỉ nuôi một con trâu để lấy sức kéo, kinh tế chủ yếu dựa vào ruộng nương nên cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng. Những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi gia súc mà bà Ly đã phát triển đàn gia súc dao động hàng năm trên dưới 10 con. Hiện tại, cuộc sống của gia đình bà Ly đã no đủ không còn khó khăn như trước, gia đình bà không những đã thoát nghèo, mà còn có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. “Trước đây nhà tôi nghèo nuôi con trâu chỉ để cày kéo thôi. Được nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ, tuyên truyền, đồng thời hướng dẫn cho cách chăn nuôi nên đàn trâu, bò, ngựa, kinh tế gia đình đã không ngừng phát triển. Giờ thì không còn đói nghèo nữa, cứ chăm sóc tốt đàn trâu, bò và ngựa là có tiền mua sắm đồ đạc và trang trải cuộc sống. Ngoài ra còn tôi còn có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng nữa đấy”, bà Tẩn Thị Ly vui mừng chia sẻ. Những năm gần đây, ngoài chăm sóc, bảo vệ, phát triển đàn gia súc trên địa bàn, xã Sùng Phài còn chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Tổng số đàn gia súc trên địa bàn xã hiện có khoảng hơn 3.300 con. Hiện nay, xã đang hướng người dân chuyển dân từ nuôi trâu sang nuôi bò và nuôi ngựa, vì bò và ngựa dễ chăn thả, sinh sản tốt, lợi nhuận cao hơn chăn nuôi trâu. Đây cũng là hướng đi giúp bà con các dân tộc giảm nghèo bền vững. Ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Sùng Phài cho biết, để giúp bà con nhân dân trên địa bàn xã phát triển chăn nuôi đàn gia súc nhằm xóa đói giảm nghèo, ngoài việc lồng ghép các nguồn vốn hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ bà con về vốn, xã còn thường xuyên cử cán bộ xuống các bản tuyên truyền cho các hộ dân cách chăm sóc, chăn thả, hướng dẫn về kỹ thuật để tránh dịch bệnh cho gia súc.
Anh Hầu A Kỷ ở bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi trâu, bò. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Anh Hầu A Kỷ ở bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi trâu, bò. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Việc tiêu độc khử trùng được thực hiện thường xuyên, đảm bảo cho đàn gia súc phát triển. Về mùa đông, xã cũng tuyên truyền, vận động bà con nhân dân sửa chữa, gia cố chuồng trại và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, đảm bảo cho đàn gia súc phát triển tốt, không bị chết vì đói rét. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc; trong đó, chú trọng phát triển đàn ngựa, đàn trâu và đàn bò để giúp bà con thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Theo thống kê, tổng đàn gia súc trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu  khoảng gần 370.000 con và còn tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo. Vì vậy, ngoài việc tạo điều kiện để người dân phát triển các mô hình chăn nuôi đại gia súc, quy hoạch các bãi chăn thả và phát triển quy mô chuồng trại, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh Lai Châu tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân. Đó là, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn hỗ trợ của nhà nước; khuyến khích trồng cỏ, gia cố chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo gia súc không bị bệnh và đói rét về mùa đông. Đây cũng là các biện pháp giúp người dân phát triển đàn gia súc, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Công Tuyên

Có thể bạn quan tâm