Chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bến Tre

Chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bến Tre
Chăn nuôi bò theo mô hình trang trại tại huyện Ba Tri. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Chăn nuôi bò theo mô hình trang trại tại huyện Ba Tri.
Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, Trưởng Ban Quản lý dự án, dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2015-2019 được triển khai từ tháng 2/2015, với mục tiêu phát triển đàn bò sữa tại huyện Ba Tri nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người chăn nuôi. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án trên 98 tỷ đồng; trong đó, tổ chức Heifer hỗ trợ 18 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng và vốn đối ứng của các hộ dân tham gia khoảng 62 tỷ đồng. Sau thời gian thực hiện, bước đầu dự án đã mang lại hiệu quả rất khả quan với số hộ dân tham gia và tổng đàn bò ngày càng tăng. Ban đầu, dự án đã triển khai tại một số xã của huyện Ba Tri, sau đó mở rộng sang địa bàn huyện Giồng Trôm. Đến nay, có 17 xã của huyện Ba Tri và 3 xã của huyện Giồng Trôm tham gia dự án, với tổng số 2.432 con bò nền (bò tại địa phương được lai với bò sữa), 1.796 con bò sữa; trong đó 359 con bò đang cho sữa. Hiện tại, dự án thu hút 1.310 hộ dân trực tiếp tham gia, với số lượng bò sữa trung bình của một hộ từ 3- 60 con, thu nhập bình quân hơn 52 triệu đồng/con/năm.
Chăn nuôi bò theo mô hình trang trại tại huyện Ba Tri. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Chăn nuôi bò theo mô hình trang trại tại huyện Ba Tri.
Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, phát triển đàn bò sữa cho thu nhập cao nhờ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ông Bùi Văn Thanh, xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri được dự án hỗ trợ cho mượn 3 con bò sữa và đầu tư mua thêm 2 con. Đến nay, đàn bò sữa của ông tăng lên 19 con; trong đó, 8 con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 85 kg sữa và ký hợp đồng tiêu thụ với giá bán từ 12.000- 14.000 đồng/kg. Ông Thanh cho biết, hiện tại, mô hình nuôi bò sữa đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với nuôi bò thịt vì giá cả ổn định. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi đạt lợi nhuận khoảng 16 triệu đồng, nên cuộc sống khá ổn định. Ông Đoàn Văn Đảnh cho hay, thời gian đầu thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi có sự liên kết giữa doanh nghiệp là Công ty cổ phần sữa Việt Nam-Vinamilk và nông dân nên nhiều hộ dân đã an tâm đầu tư, tăng đàn bò sữa; trong đó, nông dân được doanh nghiệp cung ứng thức ăn và sản phẩm sữa được thu mua tại trạm với sản lượng khoảng 2,8 tấn/ngày, giá từ 12.000 đến 14.000 đồng/kg. Theo ông Đảnh, dự kiến Ban quản lý dự án sẽ trình UBND tỉnh Bến Tre xin được kéo dài đến năm 2021 sau khi dự án kết thúc vào cuối năm 2019 do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Đồng thời, mở rộng sang các địa phương khác như huyện Bình Đại, Giồng Trôm và Thạnh Phú, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, dự án có tác động lớn đến đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Thời gian tới, Ban quản lý Dự án và chính quyền địa phương các xã sẽ đẩy mạnh truyên truyền, vận động người dân tham gia dự án, tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người chăn nuôi... UBND tỉnh Bến Tre cũng thống nhất chủ trương sẽ kéo dài dự án thêm 3 đến 5 năm nữa. Đồng thời, thành lập hợp tác xã bò sữa để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, nhằm hạ giá thành, tăng thu nhập của người chăn nuôi và hướng đến sự phát triển bền vững.
Công Trí

Có thể bạn quan tâm