Cầu nối phát huy giá trị di sản (Bài 1)

Cầu nối phát huy giá trị di sản (Bài 1)

Chuyển đổi số đang là yêu cầu cấp thiết, xu hướng tất yếu với tất cả các lĩnh vực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã ảnh hưởng sâu sắc trên toàn cầu, trong đó có văn hóa, di sản.

Có thể nói rằng, số hóa di sản đã không còn xa lạ trên thế giới, Việt Nam đã tiếp cận xu hướng này từ lâu và chuyển đổi số chính là cầu nối hữu hiệu đưa các di sản đến gần hơn với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết “Cầu nối phát huy giá trị di sản” nhằm khẳng định những lợi ích thiết thực trong khi thực hiện chuyển đổi số trong ngành văn hóa. Đồng thời phản ánh những khó khăn, giải pháp phải thực hiện để khai thác, quảng bá và quản lý di sản văn hóa hiệu quả trên môi trường số.

Bài 1- Giúp công chúng tiếp cận di sản đa chiều

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch đang diễn ra liên tục, các công nghệ mới được ứng dụng thường xuyên. Theo đánh giá của các chuyên gia văn hóa, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người xem tiếp cận di sản văn hóa theo nhiều cách khác nhau. Việc này là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu của công chúng, du khách.

Phong cách mới tiếp cận công chúng

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: Xu thế hiện nay của bảo tàng trên thế giới không còn dừng lại ở việc trưng bày truyền thống. Các ứng dụng khoa học - công nghệ như 2D, 3D, số hóa hiện vật, cổ vật... đã tạo hiệu ứng sinh động, tương tác với người xem. Bảo tàng ở Việt Nam đã có tìm tòi, đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ vào trưng bày, triển lãm theo xu hướng thế giới.

Trưng bày không chỉ online mà còn kết hợp các phương thức số hóa, tạo phong cách mới cho du khách tiếp cận. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...là những nơi đi đầu thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Hà cho biết: Là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giới thiệu trưng bày, giáo dục, từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu nhiều chuyên đề như “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”, “Đèn cổ Việt Nam” và “Linh vật Việt Nam”…

Cầu nối phát huy giá trị di sản (Bài 1) ảnh 1Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác 3D để giới thiệu trưng bày chuyên đề Di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam. Ảnh: baovanhoa.vn

Tháng 9/2021, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ra mắt trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”. Đây là trưng bày xây dựng hoàn toàn không dựa trên không gian trưng bày thực, thu hút nhiều du khách tham quan trải nghiệm, tương tác. Du khách được chiêm ngưỡng hình ảnh các bảo vật quốc gia từ nhiều góc độ.

Tương tác 3D hiện vật là hoạt động thu hút công chúng nhiều nhất. Trên không gian 3D, trống đồng Ngọc Lũ không còn xuất hiện ở trạng thái tĩnh hay hình ảnh đen xám hai chiều mà mọi góc độ của hiện vật được hiện lên, rõ từng chi tiết, hoa văn. Những chi tiết hoa văn, nội dung tiêu biểu, quan trọng được đánh số, tương tác hiện lên những thông tin chi tiết giúp người xem có thể tìm hiểu kỹ càng. Đây là cách thức mà khi tham gia trưng bày thông thường công chúng không thể cảm thụ hết được.

Để tiếp cận với trưng bày này, công chúng thường truy cập trực tiếp từ trang website, Facebook bảo tàng, tìm kiếm trên internet… Người dùng truy cập nhiều nhất từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Việt Nam (tăng mạnh), Mỹ, Anh, Australia, Pháp, Hồng Kông- Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Campuchia…Tương tác trải nghiệm xoay 3D được khách sử dụng nhiều nhất và luôn đạt 100% khách truy cập sử dụng tính năng này.

Sau hơn 1 năm giới thiệu, trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” đã thu hút đông đảo lượng khách tham quan. Tính từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022, lượng khách truy cập đạt 58.661 lượt. Đặc biệt, tháng 10/2022, số lượng khách truy cập lên tới 6.216 người, do công chúng có nhu cầu tìm hiểu thông tin bảo vật quốc gia và trải nghiệm Tháng Chuyển đổi số. Có thể nói, tương tác ảo 3D thực sự là hình thức phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu công chúng là những người trẻ tuổi hoặc học tập, làm việc gắn với mạng internet.

Di sản tạo sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Việt Nam tự hào là một quốc gia dồi dào, đa dạng về di sản văn hóa. Nước ta có lực lượng lao động sáng tạo trẻ đầy hoài bão khát vọng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực vào hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ, thực hành di sản, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Cầu nối phát huy giá trị di sản (Bài 1) ảnh 2Nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc thời nhà Hồ trên con rồng bằng đá được chạm khắc rất tỉ mỷ, trau chuốt. Rồng có bốn chân, mỗi chân 3 móng với các túm lông lượn mềm mại. Đầu rồng hiện đã bị mất nhưng vẫn còn lại phần bờm dài lượn chín nếp. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Với nguồn tài nguyên di sản phong phú, đa dạng và có giá trị quan trọng, đến nay, Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận 8 Di sản thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, hai di sản thiên nhiên và một di sản hỗn hợp. Ngoài ra, Việt Nam có 14 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Qua thời gian bảo tồn và phát huy, các di sản này đã trở thành những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu, góp phần rất quan trọng tạo nên thương hiệu và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặc biệt, Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards đã 3 lần bình chọn Việt Nam là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”; khẳng định sức cuốn hút hàng đầu về tài nguyên di sản của nước ta với cộng đồng quốc tế. Đồng thời, cũng là minh chứng cho những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đất nước. Qua đó, định vị thương hiệu điểm đến quốc gia, nâng cao vị thế du lịch Việt Nam, quảng bá rộng rãi những tiềm năng, thế mạnh đặc sắc của du lịch Việt Nam ra thế giới.

Là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, từ đầu năm 2021, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Google triển khai dự án “Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam”, quảng bá các giá trị di sản vật thể và phi vật thể nổi bật như: Sơn Đoòng, Hội An, Mỹ Sơn, di sản cung đình Huế… Đây là một sáng kiến hữu ích, có thể xem như một cửa sổ khoe sắc của các nền văn hóa, giúp người xem có thể tiếp cận được văn hóa nghệ thuật theo cách thức mới mẻ và thú vị. Nền tảng số Google Arts & Culture được mệnh danh là “bảo tàng số của nhân loại”, lưu giữ, giới thiệu các giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử đặc sắc của các quốc gia trên thế giới. Tháng 6/2022, Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp với Google tổ chức chương trình giới thiệu nền tảng này tới các sở quản lý du lịch, khu di tích, di sản, điểm du lịch, cơ sở đào tạo du lịch.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho rằng: Việt Nam có gần 8.000 lễ hội, mỗi lễ hội gắn với một di sản, di tích nhất định ở các địa phương. Đó chính là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch, điều quan trọng là các địa phương, đơn vị du lịch phải biết cách khai thác, biến nguồn tài nguyên đó thành “hàng hóa văn hóa”, trên cơ sở đó chúng ta phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa của Việt Nam. Chuyển đổi số là cách thức quan trọng nhằm quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách đến với bạn bè quốc tế. Quan điểm xuyên suốt của ngành Du lịch là tôn trọng nguyên tắc phát triển bền vững khi bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong phát triển du lịch.

Cầu nối phát huy giá trị di sản (Bài 1) ảnh 3Những chứng tích để xây dựng và bảo vệ Thành nhà Hồ được trưng bày phía trước cổng phía Nam. Ảnh: TTXVN

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ “Đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh”.

Tổng cục Du lịch đã tập trung vào giải pháp nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, hỗ trợ các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái…

Tổng cục Du lịch tận dụng tối đa các nền tảng số như website, mạng xã hội, ứng dụng thông minh bên cạnh việc phát huy sự chủ động, sáng tạo của địa phương, khu, điểm du lịch trong ứng dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho du khách nhất là du khách quốc tế khi tìm kiếm thông tin, cần có giải pháp tích hợp các nền tảng số của các điểm đến vào các kênh e-marketing ở tầm quốc gia của Tổng cục Du lịch, trong đó đặc biệt là website https://vietnam.travel/ và các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, Tiktok và Pinterest quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới.(Còn nữa - Bài 2: Nâng tầm giá trị di sản, văn hóa truyền thống)

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm