Cầu mùa, phải có trứng kiến dâng thần linh

Cầu mùa, phải có trứng kiến dâng thần linh
Lễ cúng trong ngày cuối cùng của năm cũ, người Dao Tiền ở xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) thành kính tạ ơn tổ tiên đã cho dân làng một vụ mùa bội thu, một năm mưa thuận gió hòa. Bà con gọi đó là dịp để người Dao tạ ơn toàn phần.
 
Ông Bàn Xuân Đông rất hào hứng khi nói về lễ cầu mùa của người Dao Tiền quê ông - xã Yên Nguyên - vào ngày mùng 5 tháng 5:

- Trong bản, ông trưởng họ và trưởng nhóm phải có lễ cúng. Lễ cúng thường có cá, trứng kiến, có măng vầu và thịt lợn cuốn lá lốt. Sau đó đặt lên một cái bát loa, dưới là một cái đĩa. Bên cạnh là 4 bát cơm màu. 4 bát ý nghĩa là cầu 4 phương trời để cho con cháu hội tụ làm ăn, cầu mùa cầu màng. Phải có 1 hoặc 2 con cá.”
 
Người Dao Tiền trong ngày lễ. Ảnh:dantri.com
Người Dao Tiền trong ngày lễ. Ảnh:dantri.com

Theo quan niệm của người Dao ở Yên Nguyên, đồ lễ trong ngày mùng 5 tháng 5 phải có đủ sản vật của 3 vùng: trứng kiến ở trên núi cao, cá dưới nước và tầng giữa là măng. Trứng kiến là thứ không thể thiếu trong ngày lễ này. 

Ông Đông giải thích:

- Theo tập tục ngày xưa các cụ để lại, thứ nhất, trứng kiến là cầu mong con cháu đông đúc như kiến. Thêm nữa, làm ăn thu về phải nhiều như kiến”.
 
Cứ vào khoảng mùng 2, mùng 3 tháng 5 âm lịch, người Dao Tiền ở Yên Nguyên lại rục rịch rủ nhau vào rừng tìm trứng kiến.
 
- Thường thì chúng tôi phải đi trước 1 ngày. Vì tôi là nhà gốc, nhà tổ, cho nên là luôn luôn có ít nhất cân rưỡi, hai cân trứng kiến. Nếu mà gặp thì một buổi là đủ, là được về thôi. Thường thì một tổ kiến chỉ được 3-4 lạng trứng thôi. Nhưng nếu như không may mắn thì có khi cả ngày cũng không được nổi 2 lạng. Rất khó, nhưng yêu cầu là phải có - ông Đông nói.
 
Món trứng kiến, cá, măng và rau là lễ vật bắt buộc trong lễ cúng mùng 5 tháng 5. Vậy trong tháng 7, tháng 12, lễ cúng gồm những gì? Ông Đông cho biết:
 
- Nếu như tháng 5 dùng cá, măng, với rau; tháng 7 là gà, thì tháng 12 cúng thủ lợn. Gia đình tôi cứ phải mổ một con lợn, vì là trưởng, lại con cháu đông. Ngoài ra, còn có 6 chiếc bánh gù, 1 chiếc bánh dày đường kính khoảng 30 cm, trùm qua đĩa bánh gù. Cái bánh dày tượng trưng cho mặt trời, phù hộ cho con cháu. Còn bánh gù là con người chịu khó cấy cày.
                                                                                                   
Theo tổng điều tra năm 2009, dân tộc Dao có gần 800 nghìn người, số lượng dân số đứng thứ 9 trong danh sách 54 dân tộc Việt Nam. 

Người Dao cư trú tại các bản làng miền rừng núi trải rộng từ phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang... đến một số tỉnh trung du như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.

Người Dao có nhiều nhóm khác nhau và tên gọi các nhóm Dao dựa vào nhiều yếu tố không chỉ là phong tục, tập quán mà còn là trang phục và những đặc điểm truyền thống. Chẳng hạn như: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang, Dao Tiền, Dao Quần Trắng hoặc Dao Thanh Y...

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm