Cấp thuốc Methadone nhiều ngày - Lợi ích lớn cho người bệnh

Bệnh nhân đến điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Bệnh nhân đến điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, triển khai thí điểm tại 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng trong vòng 2 năm 2021-2022. Ngày 5/4/2021, cả 3 tỉnh, thành phố là Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng đã đồng loạt tổ chức triển khai Đề án cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Cấp thuốc Methadone nhiều ngày - Lợi ích lớn cho người bệnh ảnh 1Bệnh nhân đến điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Chia sẻ với báo giới, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, việc cấp thuốc Methadone cho bệnh nhân mang về sử dụng còn được coi là phần thưởng cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt, giúp giảm tải công việc của cán bộ y tế tại cơ sở điều trị Methadone. “Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về sử dụng nếu thành công sẽ mở ra cơ hội triển khai trên toàn quốc, đó cũng là mục đích chính của Đề án thí điểm này”, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết.

* Xin ông cho biết sự cần thiết của việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày thay cho việc cấp thuốc hàng ngày như hiện nay?

- Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Hiệu quả của điều trị bằng thuốc Methadone đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu và kết quả triển khai tại nhiều nước trên thế giới, cải thiện cả về sức khỏe (giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực), cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế của gia đình, phục hồi về thể chất và tinh thần. Điều trị bằng Methadone đã giúp nhiều người bệnh có cuộc sống ổn định hơn, kiếm được công ăn việc làm.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai chương trình điều trị Methadone cho thấy, tỷ lệ bỏ trị chiếm trên 50% tập trung ở các tỉnh miền núi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ điều trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm. Một số người bỏ điều trị trị do đặc thù công việc như công nhân không có thời gian đi uống thuốc hàng ngày trong giờ hành chính; hoặc lái xe, ngư dân phải đi làm việc xa nhà thường xuyên không thể đến uống thuốc hàng ngày; hoặc một số người bệnh không thể tuân thủ điều trị do phải đi công tác, du lịch hoặc có việc đột xuất.

Để giảm vấn đề bỏ điều trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, các quốc gia trên thế giới đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc Methadone về sử dụng tại nhà. Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone nhiều ngày sẽ giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt, từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị Methadone.

Mặt khác, việc cấp thuốc Methadone cho bệnh nhân mang về sử dụng còn được coi là phần thưởng cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt và giúp những người bệnh khác phấn đấu thay đổi hành vi tích cực và tuân thủ điều trị như là một trong các điều kiện để được mang thuốc Methadone về sử dụng.

Việc triển khai cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về cũng giúp giảm tải công việc của cán bộ y tế tại cơ sở điều trị Methadone. Người bệnh giảm số lần đến cơ sở y tế uống thuốc cũng đồng nghĩa với việc giảm gánh nặng công việc cho cán bộ y tế và cơ sở y tế nhất là với các cơ sở y tế có nhiều người bệnh đến uống cùng lúc.

Cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về cũng rất có ý nghĩa trong tình hình có nhiều dịch bệnh mới nổi như COVID 19 - nó ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh và hoạt động của cơ sở y tế nhất là khi người bệnh bị cách ly hay cơ sở điều trị Methadone bị phong tỏa do dịch bệnh.

Việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về điều trị cũng là sự hòa nhập quốc tế khi Tổ chức Y tế Thế giới đã có khuyến cáo các quốc gia triển khai cho người bệnh mang thuốc về và hầu hết các quốc gia triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cũng đã triển khai cho người bệnh mang thuốc Methadone về.

* Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện sẽ được triển khai ở Việt Nam như thế nào, thưa ông Long?

-  Căn cứ Quyết định số 5074/QĐ-BYT ngày 04/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, hoạt động cấp thuốc Methadone nhiều ngày sẽ được thí điểm triển khai tại 3 tỉnh, thành phố là Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng trong vòng 2 năm 2021-2022.

Việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh được thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý chất gây nghiện, hướng thần của Bộ Y tế và tuân thủ các nguyên tắc chuyên môn trong Hướng dẫn điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ban hành kèm theo Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Quyết định số 842/QĐ-BYT 29/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Hướng dẫn triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Theo đó, người bệnh phải có đơn tự nguyện xin được cấp thuốc Methadone nhiều ngày; cam kết sử dụng thuốc đúng mục đích; hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sử dụng thuốc sai mục đích hoặc để xảy ra bất cứ ảnh hưởng xấu nào. Đồng thời, phía y tế phải đảm bảo an toàn, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, an ninh trật tự của bản thân người bệnh hoặc người khác.

* Tiêu chí để lựa chọn các tỉnh tham gia thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày được đặt ra như thế nào, thưa ông?

- Tiêu chí để lựa chọn tỉnh tham gia thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày lần này là: Thứ nhất, các tỉnh, thành phố phải có sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai điều trị Methadone thời gian qua. Thứ hai, phải có văn bản đồng thuận tham gia của UBND tỉnh, thành phố. Thứ ba, là tỉnh có địa bàn đặc thù như miền núi, người bệnh phải đi lại xa hoặc đi làm ăn, công tác nên gặp khó khăn khi phải đến cơ sở y tế uống hàng ngày; là tỉnh có đa dạng về địa bàn tức là vừa có địa bàn miền núi khó khăn và có địa bàn đồng bằng đô thị.

Trên cơ sở đó, Điện Biên và Lai Châu được lựa chọn vì là hai tỉnh miền núi phía Bắc, địa bàn rộng và đi lại khó khăn, nhiều người bệnh phải đi hàng chục km mới đến cơ sở điều trị để uống thuốc hàng ngày. Các điểm cấp phát thuốc Methadone đã được triển khai tại một số tại trạm y tế xã nhưng vẫn không đáp ứng được cho những người bệnh vì các làng, bản quá xa và đường đi đến cơ sở điều trị, cấp phát thuốc miền núi rất khó khăn. Đồng thời, đây cũng là 2 tỉnh rất tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt trong việc triển khai điều trị Methadone trong những năm qua.

Hải Phòng là một trong hai thành phố đầu tiên của Việt Nam triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và đã có sự cam kết, ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong thành phố. Hải Phòng cũng là thành phố có nhiều người nghiện sống ở các huyện đồng bằng và ven biển. Việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày thí điểm tại Hải Phòng sẽ giúp kinh nghiệm cho việc triển khai rộng ra các thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng trong tương lai.

* Xin ông cho biết, để được mang thuốc Methadone nhiều ngày, người bệnh cần đáp ứng những tiêu chí nào?

- Người có đầy đủ các tiêu chuẩn dưới đây sẽ được cân nhắc cho mang thuốc về sử dụng. Đó là đã đạt liều điều trị duy trì từ 2 tháng trở lên; không phát hiện sử dụng thêm chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác trong 2 tháng gần đây; không bỏ liều điều trị Methadone nào trong 2 tháng gần đây mà không có xin phép hoặc báo cáo với cơ sở điều trị; không vi phạm các quy định của cơ sở điều trị Methadone, không phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nào khác trong 12 tháng gần đây.

Nếu có 1 trong các điểm sau, người bệnh sẽ không được cấp phát thuốc về: Trong quá trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã từng xảy ra ngộ độc do quá liều với bất cứ chất gây nghiện nào. Người bệnh hiện có các rối loạn tâm thần chưa điều trị hoặc đang điều trị mà chưa ổn định. Bản thân người bệnh không có nơi bảo quản thuốc an toàn (như hòm, tủ có khóa…).

Bên cạnh đó, số liều thuốc Methadone được mang về phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của từng người bệnh sau khi theo dõi và đánh giá hàng tháng và theo nguyên tắc tăng dần nếu người bệnh tuân thủ tốt và giảm dần hoặc chấm dứt cho người bệnh mang thuốc về nếu người bệnh không tuân thủ tốt. Số liều tối đa cho người bệnh mang về mỗi lần trong giai đoạn thí điểm không quá 6 liều/lần mang về (không tính 1 liều uống tại cơ sở y tế khi đến lĩnh thuốc).

Để theo dõi, đánh giá sự tuân thủ của người bệnh khi sử dụng thuốc, các cơ sở điều trị Methadone tại từng tỉnh tổ chức theo dõi và hàng tháng đánh giá tuân thủ sử dụng thuốc Methadone của người bệnh với rất nhiều biện pháp, bao gồm: theo dõi người bệnh có tuân thủ điều trị đầy đủ, tham gia đủ các cuộc hẹn khám, tư vấn, nhận thuốc và uống thuốc không? Có nộp vỏ lọ thuốc đã qua sử dụng không? Yêu cầu người bệnh mang thuốc đang sử dụng và vỏ chai về kiểm tra đột xuất xem có sử dụng đúng không? Định kỳ cán bộ y tế đến nhà người bệnh để giám sát. Xét nghiệm nước tiểu ngẫu nhiên có tìm Heroin và các ma túy khác. Thiết lập hình thức liên lạc thường xuyên phù hợp với người bệnh (điện thoại, nhắn tin, internet…) để nhận thông tin và xử lý kịp thời các vấn đề có thể xảy ra trong quá trình bệnh nhân sử dụng thuốc Methadone cấp nhiều ngày.

Kết quả theo dõi, đánh giá làm cơ sở cho việc tăng số liều, giảm số liều hoặc chấm dứt việc cho người bệnh mang thuốc về.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

 PV (thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm