Cấp thiết bảo tồn loài và sinh cảnh Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan

Cấp thiết bảo tồn loài và sinh cảnh Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã phê duyệt kết quả thực hiện dự án “Điều tra, phân bố tình trạng, cấu trúc đàn, đặc điểm sinh thái, chương trình giám sát loài Chà vá chân đen ở núi Chứa Chan thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai”.

Cấp thiết bảo tồn loài và sinh cảnh Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan ảnh 1Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, kết quả điều tra đã xác định được một quần thể Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan với số lượng từ 159 - 192 cá thể, phân bố ở độ cao 180 - 800m. Vị trí ngủ Chà vá chân đen thường chọn là cây có độ cao từ 3 - 30m, có tán rậm, nhiều cành, dây leo, kín gió hoặc thung lũng khuất gió.

Về tình trạng, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã xác định được 7 đàn, các cá thể phát triển khá tốt, đang trong thời kỳ phát triển số lượng cá thể trong đàn. Các đàn đều ghi nhận con đực, cái trưởng thành; con đực, cái bán trưởng thành; con đực, cái non loại 1, 2 và các con mới sinh; được ghi nhận trong giai đoạn 10/2020 - 11/2021.

Về cấu trúc các đàn khá đa dạng, có đàn mới hình thành, có đàn đang trong thời gian hình thành; quá trình nghiên cứu đã ghi nhận hiện tượng tách và nhập đàn.

Cấp thiết bảo tồn loài và sinh cảnh Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan ảnh 2Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan. Ảnh: TTXVN phát

Về đặc điểm sinh học, sinh thái của loài Chà vá chân đen, ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được cơ sở dữ liệu và nghiên cứu về tập tính di chuyển, kiếm ăn, giao phối, ngủ, nghỉ, chuốt lông của Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan; xác định được các dạng sinh cảnh, phân bố theo sinh cảnh và vùng hoạt động, hành lang di chuyển Chà vá chân đen.

Ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai cũng đã xác định được 154 loài thực vật là thức ăn của Chà vá chân đen, chiếm 48,7% tổng số loài thực vật ghi nhận trong khu vực điều tra. Trong đó ăn ngọn là 33 loài; lá non, lá bánh tẻ, lá già và cuống lá 131 loài; ăn hoa 31 loài; ăn quả 75 loài và không ghi nhận ăn vỏ cây, ăn động vật và côn trùng. Họ thực vật mà Chà vá chân đen ăn nhiều nhất là họ Dâu tằm, họ Phụ điệp.

Theo kết quả điều tra, giám sát ngắn hạn diễn biến cấu trúc quần thể đàn Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan trong năm 2020-2021 chỉ có sự thay đổi số lượng các cá thể/đàn; cụ thể là tăng 35 cá thể (124/159 cá thể).

Cấp thiết bảo tồn loài và sinh cảnh Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan ảnh 3  Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan. Ảnh: TTXVN phát  

Từ kết quả điều tra, ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai đã đề xuất một số giải pháp mang tính cấp thiết cho bảo tồn loài và sinh cảnh Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan, trong đó có giải pháp cấp thiết bảo tồn loài Chà vá, giải pháp về ngoại sinh, giải pháp về quản lý, về nghiên cứu khoa học, về giải pháp bảo tồn, đào tạo; xây dựng kế hoạch và mục tiêu bảo tồn giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nguyễn Văn Việt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm