Cấp cứu thành công cho một cụ bà có dạ dày nằm trong lồng ngực

Hình ảnh nội soi khâu hẹp lỗ khe hoành. Ảnh: TTXVN
Hình ảnh nội soi khâu hẹp lỗ khe hoành. Ảnh: TTXVN

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa cấp cứu thành công trường hợp cụ bà có dạ dày nằm trong lồng ngực.

Cấp cứu thành công cho một cụ bà có dạ dày nằm trong lồng ngực ảnh 1Hình ảnh nội soi khâu hẹp lỗ khe hoành. Ảnh: TTXVN

Bệnh nhân H.T.B (85 tuổi, ngụ tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) nhập viện Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ ngày 29/9 trong tình trạng khó thở, nặng ngực, đau tức ngực và nôn ói… Người nhà bệnh nhân cho biết, tình trạng này đã xuất hiện trong một thời gian khá dài. Bệnh nhân đã được đưa đi khám ở một số cơ sở y tế và được chẩn đoán viêm phế quản, viêm phổi. Tuy nhiên, uống hết các đơn thuốc mà tình trạng bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Ngày 29/9, sau bữa cơm sáng, cụ bà bắt đầu nôn ói và khó thở, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.

Kết quả khám lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính cho thấy, dạ dày của cụ bà “chui” qua khe hoành, nằm gần trọn trong lồng ngực. Sự chiếm chỗ của dạ dày tại lồng ngực khiến cho tim và phổi bị chèn ép, nhất là những khi ăn no, khiến bệnh nhân thấy đau tức ngực và khó thở.

Ngay lập tức ê kíp phẫu thuật do bác sĩ Chuyên khoa II La Văn Phú - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp cùng các cộng sự đã tiến hành nội soi, đưa dạ dày xuống ổ bụng và khâu hẹp lỗ khe hoành cho bệnh nhân. Ca mổ thành công sau 3 giờ căng thẳng. Ngày 30/9, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, các yếu tố sinh tồn ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ La Văn Phú cho biết, trường hợp của bệnh nhân H.T.B theo y văn là tình trạng thoát vị khe hoành. Nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân này khá cao do yếu tố tuổi tác, các bệnh lý nền ở người già, dạ dày có thể bị hoại tử do nghẹt lỗ khe hoành, biến chứng viêm phổi… Đó là những yếu tố khiến các bác sĩ quyết định phải can thiệp ngay bằng phương pháp nội soi ít xâm lấn thay vì mổ hở.

Thoát vị khe hoành xảy ra khi mô cơ (cột trụ) quanh lỗ khe hoành thực quản suy yếu và phần trên của dạ dày chui qua lỗ khe hoành thực quản để đi vào lồng ngực. Nguyên nhân của thoát vị khe hoành thực quản ở người lớn tuổi hầu hết là do sự suy yếu màng ngăn thực quản (thoát vị mắc phải), ở người trẻ tuổi là do một lỗ khiếm khuyết của cơ hoành ở khe thực quản (thoát vị bẩm sinh).

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ để tránh béo phì, táo bón, viêm thực quản mãn tính… là những yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc thoát vị khe hoành. Bên cạnh đó, cần tuân thủ lịch khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời tầm soát, phát hiện các nguy cơ mắc thoát vị khe hoành do khiếm khuyết khe thực quản, thoát vị bẩm sinh. Những người trên 40 tuổi khi phát hiện những dấu hiệu như đau thượng vị, đau ngay sau xương ức, nóng rát sau xương ức, đầy hơi, khó tiêu, nôn, nôn ra máu… cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Ánh Tuyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm