Cấp bách ứng phó, đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên (Bài cuối)

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Bài 2: Cần khẩn trương vào cuộc

Để ứng phó với diễn biến dịch bệnh bạch hầu có xu hướng phát triển khó lường và dự báo sẽ có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, các tỉnh Tây Nguyên đang cấp bách triển khai các giải pháp để kiểm soát nhanh nhất dịch bệnh, không để lây lan diện rộng và hạn chế tới mức thấp nhất trường hợp tử vong.đang cấp bách triển khai các giải pháp để kiểm soát nhanh nhất dịch bệnh, không để lây lan diện rộng và hạn chế tới mức thấp nhất trường hợp tử vong.

Cấp bách ứng phó, đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên (Bài cuối) ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Tích cực, khẩn trương vào cuộc

Tỉnh Đắk Nông hiện đang là địa phương có số trường hợp dương tính và tử vong do vi khuẩn bạch hầu đứng đầu khu vực Tây Nguyên với 25 ca mắc và 2 ca tử vong. Công tác phòng chống dịch của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu bệnh bạch hầu không có sẵn, người mắc bạch hầu đều là hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, bất đồng về ngôn ngữ; các ổ dịch xảy ra đa số ở vùng sâu vùng xa, đi lại rất khó khăn, đặc biệt là nguồn lực y tế tại chỗ rất hạn chế.

Để khắc phục thực trạng này, trước mắt, ngành Y tế tỉnh Đăk Nông phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức dập dịch tức thời bằng các biện pháp như: khoanh vùng cách ly; cho người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao dự phòng bạch hầu bằng kháng sinh; song song với đó là xử lý môi trường bằng Cloramin B, nhất là tại các gia đình có các trường hợp dương tính với bạch hầu và các hộ gia đình lân cận. Về lâu dài, ngành Y tế đẩy mạnh việc rà soát, tiêm chủng.

Từ khi xảy ra các trường hợp đầu tiên dương tính với vi khuẩn bạch hầu đến nay, ngành Y tế Đắk Nông đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ 10.000 liều vắc xin vào ngày 20/6/2020. Tuy nhiên, số lượng vắc xin này (10.000 liều) chỉ đủ tiêm đợt 1 cho các vùng dịch tại các huyện Đắk G’Long và Krông Nô. Nếu mở rộng và tiêm đợt 2 thì phải bổ sung. Mới đây, đầu tháng 7/2020, Báo Sức khỏe Đời sống (Bộ Y tế) cam kết hỗ trợ 5.000 liều. Tỉnh Đắk Nông cũng đã có công văn xin Bộ Y tế bổ sung, hỗ trợ thêm vắc xin. UBND tỉnh cũng đã phê chuẩn kế hoạch sử dụng ngân sách địa phương để mua vắc xin, đảm bảo đủ vắc xin trong công tác phòng, chống dịch.

Cấp bách ứng phó, đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên (Bài cuối) ảnh 2Nhân viên y tế tổ chức phun thuốc khử trùng tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh – TTXVN

Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông khuyến cáo người dân cần rà soát vấn đề tiêm vắc xin đối với trẻ em, nếu chưa đủ mũi tiêm thì tiêm cho đủ. Người dân có thể đến các trạm y tế, trung tâm y tế cấp huyện, các cơ sở y tế tư nhân để được hướng dẫn, hỗ trợ. Người dân trong độ tuổi từ 7 – 40 tuổi tại các vùng dịch, vùng có nguy cơ cao cần chủ động hợp tác với cán bộ y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần hạn chế đi lại các ổ dịch mà ngành Y tế đã khoanh vùng, cách ly. Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang; hạn chế tập trung, đến chỗ đông người; tăng cường vệ sinh cá nhân, gia đình, môi trường. Khi phát hiện các dấu hiệu sốt, ho, đau họng thì đến cơ sở y tế đến khám, tư vấn và được hỗ trợ kịp thời.

Nằm trong số 2 địa phương có ca tử vong do bệnh bạch hầu gây ra, Gia Lai còn là địa phương có số trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu đứng thứ 3 trong khu vực Tây Nguyên với 19 ca bệnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đang dồn sức cho công tác phòng chống dịch.

Ngay khi phát hiện dịch bệnh, công tác khoanh vùng ổ dịch, cách ly toàn bộ làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa với bên ngoài được ngành chức năng tỉnh Gia Lai phối hợp triển khai ngay lập tức. Đã có 5 chốt chặn y tế được thành lập, thực hiện cách ly toàn bộ làng Bông Hiot với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tất cả để đảm bảo không cho ổ bệnh bạch hầu lan ra bên ngoài.

Tại các chốt chặn y tế, công tác khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh tử vong, khử khuẩn môi trường và cho uống thuốc điều trị dự phòng đã được triển khai đồng loạt. Đến ngày 7/7, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã có 1.367/1.421 người dân làng Bông Hiot được khám sàng lọc và phát thuốc uống dự phòng tổng cộng hơn 8.200 liều Erythromycin. Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị kịp thời, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để bệnh bùng phát, lan rộng và báo cáo theo quy định. Đồng thời, rà soát và lập danh sách đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 40 tuổi ở làng Bông Hiot để tiến hành tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh.

Ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã trực tiếp xuống làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa - nơi phát hiện ca bệnh chỉ đạo phun dung dịch khử khuẩn môi trường, cho uống thuốc điều trị dự phòng toàn bộ người dân trong làng. Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát ca bệnh trong thời gian 2 tuần. Đảm bảo không có yếu tố lây lan dịch tễ ra ngoài khu vực làng Bông Hiot. Đồng thời, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị điều trị chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, cơ số thuốc cấp cứu, điều trị, trang - thiết bị y tế, khu vực cách ly để phục vụ công tác điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống, hỗ trợ kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Sở tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa các trường hợp mắc và tử vong; chủ động sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng cho các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân trong khu vực.

Chiến dịch tiêm chủng góp phần đẩy lùi dịch bệnh bền vững


Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu, ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho rằng: “Theo tôi cần 3 bước, bước đầu tiên là cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn nâng cao nhận thức để nhận biết được bệnh. Khi phát hiện ra bệnh đặc biệt là phát hiện sớm, gửi mẫu và xử lý nhanh, thì ít nhất chúng ta xử lý được ổ dịch và đồng thời góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các khu vực khác. Thứ hai là làm tốt công tác điều tra dịch tễ khi có ca bệnh xuất hiện. Thứ 3 là giải pháp bền vững và an toàn nhất là vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng làm sao đảm bảo được tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.”

Tại buổi làm việc của Bộ Y tế với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng chống dịch bạch hầu, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai đã ghi nhận 69 trường hợp, tăng 3 ca so với cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về phòng chống bạch hầu cách đây 2 ngày. Phân tích sâu về 53 ca đầu tiên mắc bệnh, ông Tấn cho hay, có tới 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc). Tỷ lệ người lành mang trùng cao, chiếm gần 50%, cho thấy những người này có thể lây lan cho người xung quanh, lưu hành bệnh trong cộng đồng, đa số là người dân tộc, chiếm trên 90%.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, bệnh nhân hầu hết là người lớn do những người này giai đoạn năm 1991-1995 chưa được tiêm chủng nên không có miễn dịch bạch hầu. Ngoài ra, dù tiêm vắc xin nhưng vẫn có vi khuẩn trong người nên vẫn có khả năng lây lan. Vắc xin chỉ giảm tình trạng bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Với bệnh bạch hầu cần phải phát hiện sớm, vì thế điều tra dịch tễ để truy vết là rất quan trọng giúp những người đã tiếp xúc được dùng kháng sinh dự phòng.

Chia sẻ tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, mọi năm dịch bạch hầu rải rác, quy mô nhỏ, năm nay xảy ra trên diện rộng. Bằng sự vào cuộc chủ động, tích cực nhất, Bộ Y tế với quan điểm chỉ đạo chung là làm thế nào để dập tắt dịch trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo tính bền vững trong thời gian tiếp theo.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, bạch hầu là bệnh cổ điển, tử vong chủ yếu do độc tố của bạch hầu gây ra nên việc điều trị càng sớm càng tốt, muốn điều trị sớm phải phát hiện sớm. “Bạch hầu có cả vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu do đó phải ngăn chặn ngay, không để lây lan rộng trong cộng đồng" - Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giải pháp phòng chống mang tính lâu dài và bền vững, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên quy mô lớn mà 4 tỉnh đầu tiên là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk – những địa phương đã có ca bệnh xuất hiện, sau đó là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Theo đó, toàn bộ trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 đang tiêm rộng rãi, trên 7 tuổi tiêm vắc xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu). Dự kiến sẽ có khoảng hơn 10 triệu liều vắc xin và dụng cụ phòng hộ cá nhân cung cấp cho 4 địa phương này để tiêm phòng cho gần 4,7 triệu người. 

Nhóm phóng viên TTXVN tại Tây Nguyên

TTXVN

Có thể bạn quan tâm