Cao Bằng tăng cường ứng dụng công nghệ số để thay đổi phương thức làm việc hiệu quả

Cao Bằng tăng cường ứng dụng công nghệ số để thay đổi phương thức làm việc hiệu quả

Tỉnh Cao Bằng có 3 xã, thị trấn được lựa chọn để thí điểm thực hiện chương trình chuyển đổi số cấp xã, trong đó có một xã và một thị trấn biên giới. Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm, mô hình đã cho thấy tính ưu việt, hiệu quả, cần triển khai nhân rộng để cải cách thủ tục hành chính, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cao Bằng tăng cường ứng dụng công nghệ số để thay đổi phương thức làm việc hiệu quả ảnh 1 Nhờ chuyển đổi số, người dân Thị trấn Tà Lùng dễ dàng thực hiện các công việc thanh toán điện tử, nộp thuế điện tử… rất thuận tiện. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Thị trấn biên giới Tà Lùng, huyện Phục Hòa là một trong 3 xã thực hiện thí điểm mô hình thành công nhất. Bà Đàm Thị Phượng, Chủ tịch UBND thị trấn Tà Lùng cho biết: Thực hiện đề án, thị trấn đã đầu tư, trang bị máy tính, cải thiện, nâng cấp điều kiện làm việc cho hệ thống hành chính công; phối hợp với VNPT Cao Bằng xây dựng hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang, phủ sóng di động 3G, 4G... Đến nay, địa phương đã có hạ tầng công nghệ số đạt 80%, băng rộng cáp quang phủ đến 90% hộ dân. VNPT huyện đã tối ưu vùng phủ sóng di động; bổ sung các Small Cell để nâng cao chất lượng phủ sóng tại các vùng sóng yếu, sóng lõm.

Là thị trấn cửa khẩu thực hiện nhiều hoạt động thương mại biên giới, các thủ tục hành chính nhiều và đòi hỏi tốc độ nhanh, chính xác hơn các địa phương khác, vì vậy chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, 100% hồ sơ công việc tại UBND thị trấn Tà Lùng được tiếp nhận, quản lý và giải quyết trên hệ thống thông tin một cửa điện tử, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nhờ chuyển đổi số, cán bộ thị trấn có thể giải quyết công việc mọi lúc, kịp thời, không để người dân phải chờ đợi lâu, không bị tồn đọng. Một số người dân còn góp tiền lắp đặt camera an ninh, giúp xóm kiểm soát các vấn đề an ninh nội địa, an ninh biên giới tốt hơn.

Cao Bằng tăng cường ứng dụng công nghệ số để thay đổi phương thức làm việc hiệu quả ảnh 2 Nhờ chuyển đổi số, cán bộ xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa không cần đi từng xóm, từng nhà để thông báo họp mà chỉ cần gửi văn bản, thông báo qua ứng dụng Zalo cho người dân đạt hiệu quả lại cao hơn. Ảnh: Quốc Đạt TTXVN

Tại xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa), kinh tế số đang đem lại lợi ích cho người dân khi một số người đã biết đưa sản phẩm nông sản bán trên sàn thương mại điện tử. Tuy vậy, do là công nghệ mới, nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được công nghệ; gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục để được công nhận thương hiệu và đưa lên sàn thương mại điện tử. Vì vậy, người dân mong muốn được xây dựng website quảng bá khu du lịch cộng đồng, các sản phẩm nổi tiếng khác để kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm.

Ông Lương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen cho biết: Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, đến nay, hầu hết các thủ tục hành chính, văn bản mới của xã không cần sử dụng bản giấy như trước. Mọi thông tin, văn bản được công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho công dân, đơn vị thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện chính quyền số, kỷ luật, kỷ cương hành chính của địa phương được chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch trong hoạt động, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Các lĩnh vực y tế và giáo dục có sự chuyển đổi tích cực, tạo thuận lợi cho học sinh học online trong thời gian dịch COVID-19. Người dân được khám bệnh từ xa; các dữ liệu dân số, hồ sơ sức khỏe của người dân được lưu trữ, quản lý tốt hơn…

Cao Bằng tăng cường ứng dụng công nghệ số để thay đổi phương thức làm việc hiệu quả ảnh 3 Nhờ chuyển đổi số, người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa đỡ phải sếp hàng khi đến thực hiện các thủ tục hành chính tại xã, thủ tục giải quyết nhanh gọn, tiện lợi. Ảnh: Quốc Đạt TTXVN

Không thuận lợi như thị trấn Tà Lùng và xã Phúc Sen, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh chưa được Viettel (đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ số) đầu tư xây dựng hạ tầng nên việc triển khai chuyển đổi số gặp khó khăn. Ông Lương Văn La - Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy cho biết, là xã biên giới, trung tâm du lịch lớn nhất cả tỉnh nên chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, xã có dân số trên 3.000 người, trong đó 70% có điện thoại thông minh có thể ứng dụng nền tảng công nghệ số. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp đã thanh toán bằng ví điện tử, hóa đơn điện tử. Xã đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tạo thuận lợi cho việc triển khai chuyển đổi số. Tuy nhiên, sau nhiều lần đề nghị, đến nay Viettel vẫn chưa triển khai đầu tư hạ tầng số cho xã.

Ông Dương Nông Tuệ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Cao Bằng cho biết: Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược phát triển đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế. Sở đang đốc thúc VNPT và Viettel Cao Bằng đẩy mạnh đầu tư công nghệ số. Các xã, thị trấn tiếp tục triển khai bài bản chuyển đổi số; trong đó cần ưu tiên các dịch vụ thiết yếu phục vụ lợi ích của người dân. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức phải tăng cường ứng dụng công nghệ số để thay đổi phương thức làm việc hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của chuyển đổi số để nâng cao nhận thức người dân.

Quốc Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm