Năm học 2018-2019:

Cao Bằng quan tâm xây dựng trường nội trú, bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn

Cao Bằng quan tâm xây dựng trường nội trú, bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Nhà nội trú và các hạng mục phụ trợ Trường Mầm non, Tiểu học, THCS Quang Trung (xã Quang Trung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: caobang.gov.vn
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Nhà nội trú và các hạng mục phụ trợ Trường Mầm non, Tiểu học, THCS Quang Trung (xã Quang Trung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: caobang.gov.vn
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực của xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo; tiếp tục thực hiện công tác khảo thí theo hướng đánh giá năng lực người học; đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 tổ chức ngày 20/8, ông Trịnh Hữu Khang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị: Năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cần nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác dạy và học. Bên cạnh đó, ngành cần tổng hợp số giáo viên còn thiếu của các trường, trình UBND tỉnh để tuyển mới giáo viên, đảm bảo bố trí đủ giáo viên cho các trường.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh tiếp tục bổ sung, nâng cấp các hạng mục công trình cho các trường phổ thông nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Các trường phổ thông nội trú, bán trú cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục...

Năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ năm học với nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương, phát huy tốt nội lực của ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Hệ thống mạng lưới trường, lớp từng bước hoàn thiện ở các cấp học, ngành học, học sinh trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ cao.

Tỉnh quan tâm xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tại các xã đặc biệt khó khăn. Hệ thống trường phổ thông nội trú tiếp tục được duy trì, tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, chăm sóc, nuôi dạy.

Hiện nay, Cao Bằng có 45 trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó có 33 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở, 3 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở, 9 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học. Các trường phổ thông dân tộc bán trú đã tổ chức cho học sinh ăn, ở nội trú, hợp đồng với người lao động và phân công giáo viên nấu ăn, quản lí học sinh bán trú. Các trường phổ thông dân tộc bán trú đã đi vào hoạt động tương đối hiệu quả; trong đó Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) đã đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, năm học 2017 – 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng tiếp tục duy trì và giữ vững, nâng cao chất lượng, kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ... Đối với việc rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, toàn tỉnh Cao Bằng đã giảm được 7 điểm trường và 114 điểm trường, lớp lẻ so với năm học 2016 - 2017.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cũng tồn tại một số khó khăn. Một số điểm trường, lớp lẻ, số học sinh ở mỗi lớp còn thấp (có nơi có 5 - 7 học sinh/lớp); chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Một số trường ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu nhà ở công vụ cho giáo viên, phòng học, trang thiết bị, công trình vệ sinh, nước sạch, thư viện, các điều kiện phục vụ sinh hoạt ăn, ở của học sinh bán trú, nội trú chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn hạn chế; việc bố trí đội ngũ nhà giáo chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định.
Chu Hiệu 

Có thể bạn quan tâm