Cao Bằng phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết “4 nhà”

Cao Bằng phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết “4 nhà”
Nông dân xã Đức Long (Hòa An) thu hoạch thuốc lá.
Nông dân xã Đức Long (Hòa An) thu hoạch thuốc lá.
HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU TỪ LIÊN KẾT “4 NHÀ”

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã cơ bản hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp có sự liên kết “4 nhà” (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp) tương đối rõ nét, như: Vùng thuốc lá nguyên liệu tại các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông, Trùng Khánh; vùng trúc sào tại Nguyên Bình, Bảo Lạc; vùng mía nguyên liệu tại các huyện: Phục Hòa, Hạ Lang, Quảng Uyên, Thạch An; vùng sắn ở: Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An... 

Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 17.000 ha thuốc lá, trong đó, năm 2015 trồng được 3.689,5 ha, tăng 541,8 ha so với năm 2011. Nguồn vốn đầu tư cho dự án sản xuất thuốc lá 58 tỷ 887 triệu đồng, trong đó nguồn chủ yếu từ các nhà đầu tư ứng trước phân bón, giống và hỗ trợ dân làm lò sấy. Hiện nay, có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thuốc lá với diện tích 2.600 ha, đã cho vay 2,5 tỷ đồng chậm trả cho nhân dân xây dựng 700 lò sấy; ứng trước trên 1.000 tấn phân bón; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người trồng thuốc lá... Năm 2015, năng suất thuốc lá bình quân đạt 20,5 tạ/ha, thu nhập bình quân của người trồng thuốc lá đạt 95,4 triệu đồng/ha.  

Tại Hòa An, cây thuốc lá nguyên liệu được xác định là cây chủ lực trong chương trình sản xuất hàng hóa. Hằng năm, cấp ủy, HĐND các cấp đưa chỉ tiêu trồng thuốc lá vào nghị quyết; các cơ quan, đoàn thể đưa vào chương trình công tác trọng tâm và làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện. Tổ chức hội nghị trao đổi, thống nhất, ký kết hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh cây thuốc lá trên địa bàn về cung ứng vật tư, phân bón, giống, giá thu mua, bao tiêu sản phẩm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; thực hiện mô hình thuốc lá chất lượng cao. Nhờ đó, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây thuốc lá ở các công đoạn. Hiện nay, trên địa bàn có 9 doanh nghiệp đầu tư phát triển cây thuốc lá. Các doanh nghiệp đã cấp không cho nhân dân trên 150 kg hạt giống; hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng xây lò sấy; cung ứng trước cho nông dân 2.872 tấn phân bón chuyên dùng cho cây thuốc lá... Năm 2011, toàn huyện có 15/21 xã, thị trấn trồng 1.628 ha, năng suất bình quân đạt 19 tạ/ha, sản lượng 3.187 tấn; đến năm 2015 tăng lên 19/21 xã, thị trấn trồng 1.841 ha, năng suất 22 tạ/ha, sản lượng 4.074 tấn. Người dân toàn huyện có thu nhập từ cây thuốc lá trên 175 tỷ đồng/năm.

Đối với cây mía, tổng nguồn vốn đầu tư từ năm 2011 đến nay cho Dự án phát triển mía đường 10 tỷ 983,5 triệu đồng; trong đó nguồn vốn Chương trình 30a là 10 tỷ 679,4 triệu đồng hỗ trợ giống, phân bón. Năm 2015, trồng được 3.232,5 ha, năng suất đạt 617,5 tấn/ha, sản lượng 199.634,9 tấn. Trong đó, mía nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng 2.732,53 ha; mía hàng hóa xuất khẩu 500 ha. Thu nhập từ trồng mía đạt 52 - 60 triệu đồng/ha. Với cây sắn, vùng nguyên liệu năm 2015 lên đến 2.725 ha tại 5 huyện: Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, Quảng Uyên, Trùng Khánh. Năng suất đạt 15 - 17 tấn/ha. Hiện vùng nguyên liệu đã đáp ứng được 70% công suất của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Cao Bằng; thu nhập của người trồng sắn đạt 50 - 52 triệu đồng/ha...

Từ năm 2011 đến nay, vùng nguyên liệu trúc (Bảo Lạc, Thông Nông, Nguyên Bình) trồng mới 666,4 ha, nâng tổng diện tích trúc hiện có lên 3.268,7 ha, trong đó có 1.600 ha đã cho khai thác. Hiện nay, có 2 doanh nghiệp chế biến thực hiện thu mua trúc cho người dân là Công ty cổ phần Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng và Công ty TNHH một thành viên 688 tại thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình). Thu nhập bình quân từ trồng trúc đạt 70 - 75 triệu đồng/ha.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị kinh tế của các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp trên khá cao. Cụ thể, vùng chuyên canh thuốc lá đạt 80 - 100 triệu đồng/ha; trúc sào đạt 70 - 75 triệu đồng/ha; mía đạt 48 - 50 triệu đồng/ha; sắn đạt 50 - 52 triệu đồng/ha..., cao hơn rất nhiều so với giá trị bình quân đất canh tác của tỉnh hiện nay (35 triệu đồng/ha).  

CẦN HƠN NỮA SỰ VÀO CUỘC CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

Cây thuốc lá là cây chủ lực trong chương trình sản xuất hàng hóa và được nhận định là cây giảm nghèo hiệu quả nhất của tỉnh, tuy nhiên vẫn rất cần sự tiếp tục vào cuộc của các doanh nghiệp. Bí thư Huyện ủy Hòa An Vũ Quang Luyện khẳng định: Trong những năm tiếp theo, huyện Hòa An tập trung làm tốt công tác quy hoạch vùng thuốc lá nguyên liệu, bảo đảm phát triển và giữ ổn định diện tích trồng thuốc lá khoảng 2.000 ha. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các công trình thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu, phục vụ sản xuất. Song, rất cần các doanh nghiệp nâng cao vai trò trong việc đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật, lò sấy, tập trung phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá chất lượng cao, đặc biệt là khâu bao tiêu sản phẩm để nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. 

Chị Hoàng Thị Hiền, xóm Báng Hạ, xã Cai Bộ (Quảng Uyên) bộc bạch: Năm 2015, gia đình tôi trồng được 700 m2 sắn cao sản, năng suất đạt trên 200 ta/ha. Với giá bán 1.200 đồng/kg sắn cao sản như hiện nay, gia đình tôi có khoản thu khá. Nhưng tôi lo như các năm trước, giá sắn lúc đầu cao, sau đó liên tục bị tư thương ép giá, làm cho người trồng sắn bán không được. Mong doanh nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai kế hoạch bao tiêu sản phẩm, niêm yết giá thu mua sắn, tránh tình trạng tư thương ép giá người dân như nhiều năm trước.     

Nói về liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sinh Cung cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay của việc thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp là thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Sự liên kết trong sản xuất một số cây, con chưa thực sự bền vững. Đã nhiều năm, nhiều sản phẩm cây trồng, vật nuôi do người dân vất vả làm ra nhưng không biết bán cho ai. Việc doanh nghiệp tham gia thì rất hạn chế, có chăng chỉ tham gia vào khâu cung ứng sản phẩm vật tư đầu vào để thu lợi, còn lại khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thì chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, do sự thiếu hiểu biết đầy đủ, hạn chế trong nhận thức từ phía người dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện liên kết. Nhiều mô hình doanh nghiệp đầu tư đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng có không ít người dân khi tiêu thụ sản phẩm được thương lái bên ngoài trả giá cao hơn đã không ngần ngại tự ý phá hợp đồng với doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp mất niềm tin, không muốn tiếp tục đầu tư sản xuất. 

Vì vậy, đa phần các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết hiện nay đều đang vắng bóng doanh nghiệp, hoặc nếu có thì vẫn chưa làm tròn vai trò, khi các doanh nghiệp chỉ chú trọng cung ứng vật tư đầu vào mà không quan tâm đến đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng trong quá trình liên kết. Và từ những thực tế trên, thiết nghĩ, để thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết “4 nhà”, tỉnh cần có cơ chế, chính sách phù hợp, cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân tuân thủ quy định trong quá trình thực hiện liên kết.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm