Cao Bằng nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cao Bằng nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những bé gái. Các ngành chức năng tỉnh Cao Bằng đã nhiều có giải pháp để giảm tình trạng này.

Cao Bằng nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Tình trạng tảo hôn đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóm Cốc Pàng, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Theo thống kê, năm 2020 tỉnh Cao Bằng có 186 cặp tảo hôn, 7 hôn nhân cận huyết thống; năm 2021 toàn tỉnh có 260 cặp tảo hôn; 2 cặp hôn nhân cận huyết thống. Độ tuổi tảo hôn thấp nhất với nữ là 14 tuổi, nam là 15 tuổi. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thường diễn ra ở vùng có đông đồng bào Mông, Dao sinh sống như huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, Hòa An.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là do trình độ dân trí không đồng đều, các hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc xử phạt hành chính trong vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình tại cơ sở chưa thật sự tốt; công tác tuyên truyền về hệ lụy tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các trường học còn hạn chế, học sinh từ cấp Trung học Cơ sở yêu sớm, dẫn đến cưới tảo hôn xảy ra ở các vùng, miền trên địa bàn. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến tình trạng, hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Cao Bằng nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Tình trạng tảo hôn đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóm Cốc Pàng, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Mục tiêu của tỉnh Cao Bằng là giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tỉnh sẽ đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh thiếu niên và địa bàn có nguy cơ về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền xã, thôn; thông tin lưu động, sân khấu hóa, hoạt động ngoại khóa trong các trường học. Đặc biệt tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động

Cao Bằng nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3Một bé gái ở xóm Cốc Pàng, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc làm mẹ khi mới 15 tuổi. Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Cùng với đó, tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là cấp xã; đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa… Cao Bằng sẽ nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; tham mưu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm