Những năm qua, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được tỉnh Cao Bằng quan tâm thực hiện. Các địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học, nâng cao dân trí cho người dân.

Hiện, tỉnh còn hơn 3.000 người từ 15-60 tuổi mù chữ mức độ 1 (chiếm 0,82% dân số), gần 31.000 người mù chữ mức độ 2 (chiếm 8,43% dân số). Toàn tỉnh có 3/161 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 158/161 đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 2...
Là một trong những huyện đi đầu trong phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, những năm qua, Nguyên Bình đã chỉ đạo các đơn vị trường học thuộc các xã và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia lớp học xóa mù chữ thông qua các hoạt động giáo dục của nhà trường, các cuộc họp xóm. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các trung tâm học tập cộng đồng tích cực điều tra, tổng hợp, phân tích tình hình thực tiễn, triển khai tuyên truyền, huy động tối đa học viên tham gia. Năm 2024, huyện tổ chức 11 lớp xóa mù chữ cho 158 học viên.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyên Bình Vi Thị Hương cho biết: Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, năm 2025, huyện phấn đấu mở 19 lớp xóa mù chữ cho gần 300 học viên ở vùng sâu, vùng xa. Các học viên được truyền đạt kiến thức cơ bản từ lớp 1 đến lớp 3, sau đó tiếp tục học giai đoạn 2, tương đương với trình độ lớp 4, lớp 5…
Những lớp học xóa mù chữ được tổ chức đã tạo cơ hội cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết để nâng cao dân trí, góp phần thu hẹp khoảng cách về mặt bằng dân trí giữa các vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con dân tộc thiểu số. Bà Trịnh Thị Ta (57 tuổi ở xóm Ngọc Sỹ, xã Lương Thông, huyện Hà Quảng) rất vui vì đã biết đọc, biết viết sau khi tham gia lớp xóa mù chữ. Cuộc sống của bà cũng cũng thuận tiện, chủ động hơn, không phải nhờ con cháu như trước.
Với bà Bàn Thị Hoa (50 tuổi, xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình), sau khi biết chữ, bà tự tin hơn trong giao tiếp xã hội. Từ đó, bà tích cực tham gia các lớp tập huấn, nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng để vươn lên phát triển kinh tế gia đình...
Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Những năm qua, tỉnh Cao Bằng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia hoạt động giáo dục nói chung và công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nói riêng. Đồng thời, tỉnh kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân đầu tư, ủng hộ công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ như, hỗ trợ chăn màn, quần áo, giày, dép, sách giáo khoa, giấy vở viết cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn…
Năm 2025, tỉnh tiếp tục triển khai duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xóa mù chữ; có giải pháp hỗ trợ xóa mù chữ cho người dân độ tuổi từ 15 - 60 tuổi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới; duy trì và nâng cao kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ đạt được năm 2024, duy trì giữ vững các xã, huyện đạt chuẩn mức độ 2; phấn đấu cả 3 đơn vị cấp xã đang đạt chuẩn mức độ 1 (xã Huy Giáp, Bảo Lạc; Vĩnh Quang, Bảo Lâm; Lương Thông, Hà Quảng) đạt mức độ 2.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư cho biết, thời gian tới, để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, ngành xác định thực hiện tốt các cơ chế, chính sách Nhà nước ưu tiên cho giáo dục và đạo tạo; tiếp tục thực hiện sắp xếp hợp lý mạng lưới trường, lớp; tập trung quan tâm xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Đồng thời, tỉnh duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa phòng học và xây dựng trường chuẩn quốc gia; phát triển hoạt động khuyến học, giáo dục dân tộc đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh...
Chu Hiệu