Cao Bằng: Huy động các nguồn lực xây dựng đường nông thôn

Cao Bằng: Huy động các nguồn lực xây dựng đường nông thôn
Trong 5 năm qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành 2 chương trình, 4 nghị quyết, 1 chỉ thị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm đường nông thôn, đường bê tông, cầu vượt sông suối ra nơi sản xuất. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào làm đường nông thôn, được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo phong trào chung trong toàn huyện.


Để tăng nguồn lực làm đường nông thôn, huyện kêu gọi nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà hảo tâm, con em của huyện đang sống và làm việc tại các địa phương khác. 

Phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" được huyện hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp công và các vật liệu khác để bê tông hóa đường (Nhà nước hỗ trợ 30%, nhân dân đóng góp 70%). Nội dung đóng góp của nhân dân cũng được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức (hiến đất làm đường, tự khai thác vật liệu tại chỗ nếu có điều kiện, các hộ dân góp tiền để đi mua, doanh nghiệp hỗ trợ...). Đối với các công trình giao thông có vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu Quốc gia và các nguồn khác thì tập trung nhân lực để lập hồ sơ thủ tục nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ, quyết liệt trong giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng thi công và chỉ đạo thi công, giải ngân đúng tiến độ.

Đến năm 2015, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển. Giao thông xã, liên xã đã được cứng hoá, có mặt đường bằng bê tông 30,5 km, đường ô tô đi lại được 231/231 xóm. Tổng số xi măng huyện đã hỗ trợ cho nhân dân làm đường trong giai đoạn 2010 - 2015 là 3.152,5 tấn, với tổng chiều dài thực hiện 56.639 m, bề rộng mặt đường từ 1,5 - 3 m. Nhân dân đóng góp vật liệu với 5.665 m3 cát, 10.127 m3 đá và 14.837 ngày công, tổng giá trị khoảng 7,8 tỷ đồng. Khơi thông 4 tuyến đường dân sinh vào vùng sâu, vùng xa mà đến nay chưa có đường, với tổng chiều dài 25 km. 

Ngoài làm đường, trong 2 năm (2014 - 2015), được sự giúp đỡ của Sở Giao thông - Vận tải, huyện đã đưa một số dầm thép đã qua sử dụng xuống một số xóm và hỗ trợ thêm kinh phí mua vật liệu với trị giá 396.648.000 đồng để làm cầu dân sinh, phục vụ sản xuất. Nhân dân đóng góp trên 3.000 ngày công, hàng trăm m3 vật liệu, ước giá trị gần 900 triệu đồng để làm mới 9 cây cầu, chiều rộng 2 - 3 m, dài từ 6 - 29 m từ các địa bàn dân cư vượt sông, suối ra cánh đồng sản xuất.

Qua 5 năm chỉ đạo xây dựng giao thông nông thôn, huyện Trùng Khánh rút ra một số bài học kinh nghiệm: 

Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy và tổ chức Đảng; nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện phong trào làm đường nông thôn. 

Phát huy truyền thống đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất từ các chi bộ đảng và cả hệ thống chính trị, coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Công khai các khoản hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân.

Tập trung huy động mọi nguồn lực, từ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp từ xã hội hóa, hiến đất và đóng góp công sức của nhân dân.

Khơi dậy được tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân trong việc tích cực tham gia các phong trào làm đường nông thôn và Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để đóng góp xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm