Cao Bằng hỗ trợ các xã chỉ đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới

Cao Bằng hỗ trợ các xã chỉ đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới
Phong cảnh nên thơ ở Cao Bằng. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Phong cảnh nên thơ ở Cao Bằng. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đề nghị tỉnh Cao Bằng cần tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã chỉ đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực để họ có điều kiện vươn lên, làm đầu tầu cho kinh tế địa phương. Bên cạnh việc trú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống, tỉnh cũng cần tích cực thử nghiệm các mô hình kinh tế mới, trồng cây, con mới hướng đến những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như táo, lê, nho Nhật Bản; chăn nuôi bò sữa, nuôi cá hồi, cá tầm… Cao Bằng là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch lớn và cũng là tỉnh giữ rừng, phát triển rừng tốt, có môi trường sinh thái tốt nhất cả nước, cần tận dụng điều này để phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp. Theo báo cáo của tỉnh Cao Bằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương, vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc cần được Trung ương hỗ trợ. Người nông dân đã chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản, cơ giới hoá nông nghiệp có bước phát triển. Đầu tư cho nông nghiệp ngày càng được chú trọng, diện tích, năng suất, sản lượng các cây trồng đều tăng, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 5,39 triệu đồng năm 2008 lên 13,740 triệu đồng năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là các công trình thuỷ lợi, đường giao thông, trường học, điện lưới... Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế tập thể trong nông nghiệp kém phát triển, ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất hàng hóa chưa phát triển, nguồn lực cho nông nghiệp còn hạn chế, chuyển giao khoa học kỹ thuật còn chậm, dịch vụ cho nông nghiệp hạn chế, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm… Đối với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn, do đời sống kinh tế còn hạn hẹp, dân cư thưa thớt không tập trung nên việc huy đồng nguồn lực trong dân đóng góp xây dựng nông thôn mới rất hạn chế. Mặt khác, một bộ phận dân cư vẫn còn tâm lý trông chờ sự đầu tư của nhà nước nên đến nay, toàn tỉnh mới có 10 xã đạt 19 tiêu chí, 38 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 117 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, còn 12 xã đạt dưới 5 tiêu chí (bình quân cả tỉnh mới đạt 8,27 tiêu chí/xã). Về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Cao Bằng đã chọn được 24 sản phẩm thế mạnh thuộc 4 nhóm gồm: thực phẩm, đồ uống, lưu niệm - nội thất - trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn. Tỉnh Cao Bằng kiến nghị, Trung ương có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với các tỉnh miền núi, biên giới; hỗ trợ và tạo điều kiện cho tỉnh trong việc xuất khẩu nông sản; tăng nguồn vốn để thực hiện các Nghị quyết, chương trình của Trung ương như: chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, 30a, 193, 2085...
Quốc Đạt

Có thể bạn quan tâm