Cao Bằng: Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật đến vùng sâu, vùng xa

Cao Bằng: Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật đến vùng sâu, vùng xa
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân xã Cần Yên (Thông Nông).
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân xã Cần Yên (Thông Nông).
Những năm trước đây, ở những xóm, bản của các xã vùng sâu, vùng xa, hội viên, phụ nữ dân tộc ít khi được tiếp cận với các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật của Hội. Phần lớn do đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung; trình độ dân trí còn nhiều hạn chế; các cơ sở Hội thiếu các hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp… Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến hội viên, phụ nữ vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều hình thức, như: Tuyên truyền miệng, các buổi sinh hoạt, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn nghệ… Hội phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và phòng Tư pháp các địa phương tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… 

Cùng với đó, Hội tổ chức  tập huấn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; kỹ năng truyền thông, lập kế hoạch, thuyết trình, làm việc nhóm, điều hành sinh hoạt, các phương pháp soạn giáo án; kỹ năng truyền thông, tuyên truyền, tư vấn pháp luật và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, xây dựng và phản biện xã hội; cách thức đề xuất các chính sách và giám sát pháp luật chính sách…, cho các cán bộ và hội viên phụ nữ cơ sở. Phối hợp biên soạn tài liệu pháp luật cung cấp cho hội viên và phụ nữ tại cộng đồng; vận động cán bộ Hội tích cực tham gia nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật, thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật tới hội viên, phụ nữ... Từ năm 2014 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được 5.650 cuộc, với hơn 218 nghìn lượt người tham gia, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 5.739 buổi tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người…, với hơn 184 nghìn lượt người tham gia. 

Cùng với công tác tuyên truyền, các cấp Hội còn phối hợp với Công an và các ban, ngành, đoàn thể duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình: “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, “Quản lý, giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ làm trái pháp luật”…; phát triển được trên 13.000 hội viên nòng cốt thực hiện và chấp hành pháp luật tại cộng đồng và 199 câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với pháp luật”, “Phòng chống mua bán người”, “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Phụ nữ phát triển kinh tế”. Các CLB tổ chức sinh hoạt 2 - 4 kỳ/năm; có CLB duy trì hoạt động thường xuyên hằng tháng. Trong các đợt sinh hoạt, CLB mời các báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ tư pháp, tuyên truyền viên có kinh nghiệm, am hiểu pháp luật để tư vấn, trợ giúp pháp lý, giải đáp trực tiếp các vướng mắc pháp lý phát sinh trong cuộc sống, trong gia đình, xã hội để chị em có kế hoạch giải quyết vấn đề, có ứng xử phù hợp và đúng với các quy định của pháp luật. Sinh hoạt tại CLB, chị em còn được giao lưu văn nghệ, thể thao, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức về luật pháp, chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con cái, giúp nhau giảm nghèo... Qua đó, đội ngũ cán bộ các chi hội, tổ phụ nữ các xã vùng sâu, vùng xa nâng cao kỹ năng trong tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện và chấp hành tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và những quy định của địa phương.

Chị Triệu Thị Phan, dân tộc Dao, xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông (Thông Nông) chia sẻ: Trước đây, vì không hiểu luật nên làm việc gì tôi cũng sợ, không biết có phạm luật hay không. Nhưng bây giờ khác rồi, tôi đã có hiểu biết nhất định về luật và có thể giải đáp cho nhiều chị em khác, nhất là nữ thanh niên. Tôi chỉ mong có thêm nhiều loại sách hơn về các lĩnh vực khác nhau để chúng tôi tham khảo và áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Tuy bận rộn với công việc đồng áng, nhưng tôi vẫn luôn tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt nhóm và vận động được nhiều người thân cùng sinh hoạt”.

Phong trào xây dựng tủ sách pháp luật, bổ sung đầu sách pháp luật tại các cơ sở được trú trọng. Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng được 199 tủ sách pháp luật với các loại sách, như: Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bình đẳng giới; sách về pháp luật, phụ nữ, khuyến nông, khuyến công..., đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của phụ nữ. 

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ, nhất là phụ nữ ở những vùng sâu, vùng xa nên tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, con em hội viên, phụ nữ vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội đã giảm. Chị em ngày càng tích cực hơn trong việc tham gia đóng góp ý kiến, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá và có thêm điều kiện để tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Đồng chí Trần Thị Tuyết Nga, Trưởng Ban Luật pháp chính sách, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Để không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thời gian tới chúng tôi tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; quan tâm đến nhóm đối tượng đặc thù, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng  xa.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm