Cao Bằng đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Ngày 13/4, Đoàn công tác của Bộ giáo dục và Đào tạo do ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Cao Bằng, công bố kết quả kiểm tra công nhận tỉnh Cao Bằng đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2017.

 

Cao Bang dat chuan pho cap giao duc, xoa mu chu hinh anh 1
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN.

Năm 2017, tỉnh Cao Bằng đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (thời điểm tháng 12/2017). Cũng trong năm 2017, Cao Bằng có 8 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 5 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ cấp độ 2 . 

Bên cạnh đó, 100%  xã, phường, thị trấn của Cao Bằng có trung tâm học tập cộng đồng. Tỉnh đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho cán bộ công chức, viên chức học tập, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

Năm 2018, đối với công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Cao Bằng xác định tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện các đề án thành phần, xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn cụ thể. Bên cạnh đó, triển khai đại trà việc đánh giá, xếp loại các mô hình học tập từ năm 2018; củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên; phấn đấu  tăng số lượng trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và việc thực hiện các đề án thành phần.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ kết luận: Năm 2017, Cao Bằng đạt chuẩn về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Thứ trưởng đánh giá tỉnh Cao Bằng đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp trong công tác phổ cập giáo dục; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo kết quả phổ cập giáo dục là thực chất và vững chắc và yêu cầu Cao Bằng cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể một cách cụ thể, có chiến lược trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; chuẩn bị đủ nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác xã hội học tập; chú trọng nâng cao chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng...
Chu Hiệu

Tin liên quan

75 năm giáo dục Việt Nam: Từ phổ cập giáo dục đến đổi mới căn bản, toàn diện

Năm 1945, khi Việt Nam vừa giành được độc lập, đất nước ta có tới 95% dân số mù chữ. Ngay sau ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". 75 năm qua, giáo dục đã phát triển cùng sự phát triển của dân tộc và luôn đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của đất nước.


Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong xóa mù chữ và phổ cập giáo dục

Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức, mang lại sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Tại Việt Nam, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.



Đề xuất