Cao Bằng chú trọng giải quyết sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cao Bằng chú trọng giải quyết sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đoàn công tác làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Đoàn công tác làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Sau 15 năm triển khai Nghị quyết 24, tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 - 6%; công tác phổ cập giáo dục của các bậc học, xóa mù chữ được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, 100% xã có trạm y tế, đảm bảo cho việc khám chữa bệnh cho nhân dân. Toàn tỉnh có trên 50.600 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 92,22% tổng số đảng viên của tỉnh); trên 16.700 (chiếm 92,6%) cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, trong đó hơn 220 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mông...

Sau 25 năm thực hiện Chỉ thị 45, nhiều chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã được đồng bào đón nhận và thực hiện hiệu quả, góp phần làm chuyển biến đáng kể tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc Mông. Đến nay, tại tỉnh Cao Bằng, 100% các xã có người Mông sinh sống có đường ô tô đến trung tâm, 89% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Mông giảm từ 80% (năm 2007) xuống còn 48% (năm 2018)...

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45 tại Cao Bằng vẫn còn những hạn chế như: Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thực hiện thường xuyên. Một số chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả thấp; việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức…

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội phát biểu. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội phát biểu.
Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN

Tỉnh Cao Bằng xác định bốn vấn đề cần quan tâm ở vùng dân tộc thiểu số, trong đó có vùng đồng bào Mông đó là: Hạ tầng thiết yếu và giao thông, điện nước sinh hoạt; vấn đề cán bộ người Mông trong hệ thống chính trị; hoạt động của "đạo lạ", hiện tượng tôn giáo mới; đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.

Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng xác định tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Tỉnh đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Mông; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh biên giới và các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị, tỉnh Cao Bằng cần quy hoạch dân cư vùng dân tộc thiểu số gắn với việc di dân ra khỏi vùng thiên tai, vùng có điều kiện khó khăn và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới. Tỉnh cần đẩy mạnh giải quyết sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó quan tâm đến việc xây nhà ở, cấp đất sản xuất, nước sinh hoạt, vốn sản xuất cho đồng bào. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy về các tập quán lạc hậu như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, du canh du cư; nhân rộng mô hình xây dựng kinh tế hiệu quả của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh cần tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết 24 - NQ/TW và Chỉ thị 45 - CT/TW các phương án xây dựng chính sách dân tộc, trong đó có chính sách đối với đồng bào Mông. Cùng với đó là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ, cơ cấu của địa phương.
Chu Hiệu

Có thể bạn quan tâm