Cao Bằng bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Cao Bằng bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Cao Bằng là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, sản phẩm của nhiều làng nghề đang mất dần chỗ đứng trên thị trường và có nguy cơ thất truyền. Vì vậy, Cao Bằng đang đưa ra nhiều giải pháp toàn diện hơn để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

Cao Bằng bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ảnh 1Sản phẩm kẹo kéo Bó Tờ. Ảnh: Chu Hiệu –TTXVN

Phúc Sen (huyện Quảng Hòa) là làng có nghề rèn đúc nông cụ truyền thống lâu đời. Các sản phẩm của làng rèn Phúc Sen khẳng định được vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm dao của Phúc Sen được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, làng nghề Phúc Sen có 145 lò rèn với gần 300 người thường xuyên tham gia duy trì sản xuất. Từ làm rèn, các hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển, nhiều hộ có thu nhập hằng năm trên 90 triệu đồng/năm.

Xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa là địa phương có tiếng về đường phên. Bà Nông Thị Hảo, xóm Bó Tờ cho biết, nghề trồng mía, làm đường phên thủ công đã có từ hàng trăm năm nay. Ban đầu, chỉ một số hộ trong xóm làm đường phên để tự phục vụ gia đình nhưng đến nay xóm có 85/150 hộ làm đường phên. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công dày dạn kinh nghiệm, nghề làm đường phên mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, sản phẩm khẳng định được uy tín trên thị trường.

Cao Bằng bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ảnh 2 Miến dong của cơ sở sản xuất miến dong Minh Đào (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Tuy nhiên, tại Cao Bằng, nhiều làng nghề truyền thống đang có nguy cơ thất truyền. Chạm bạc là một nghề thủ công xuất hiện khá sớm và phát triển trong đời sống của người Dao Đỏ ở xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình. Do nhiều nguyên nhân, nghề chạm bạc nơi đây đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Bà Lương Thị Ngư, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Minh cho biết, chạm bạc truyền thống của người Dao Đỏ chỉ là nghề phụ và đang có nguy cơ mai một. Hiện nay, xã chỉ còn duy nhất hộ ông Lý Vần Sinh, xóm Lũng Chang duy trì được nghề này. Lớp trẻ không muốn học nghề và gắn bó với nghề bởi thu nhập thấp; thị trường tiêu thụ khó khăn, chủ yếu là ở các chợ phiên địa phương và làm theo đơn đặt hàng của khách. Mỗi sản phẩm chạm bạc cần sự đầu tư lớn về công sức và vốn nên người Dao Đỏ ở Vũ Minh đang dần quay lưng với nghề chạm bạc.

Bà Nông Thị Nhi là một trong số ít người ở làng nghề đan lát xóm Nà Đoỏng, xã Minh Khai (huyện Thạch An) còn biết đan chiếu cót, rổ, rá, nong, nia…Với bà Nhi, nghề đan lát là truyền thống của người Tày, Nùng ở Minh Khai. Giữ lại nghề là giữ lại nét văn hóa, cội nguồn của tổ tiên. Tuy nhiên, bà Nhi luôn trăn trở làm thế nào để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống khi để hoàn thành một sản phẩm đan lát cần rất nhiều thời gian, công sức nhưng thu nhập lại thấp; thế hệ trẻ không mặn mà với nghề…

Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có 21 làng nghề truyền thống, chủ yếu sản xuất các sản phẩm như miến dong, làm hương, giấy dó, cơ khí nhỏ (nghề rèn đúc), đường phên, đan lát, dệt thổ cẩm, bánh nướng, ngói máng, trạm khắc bạc... Tuy nhiên, các làng nghề đều sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu; hệ thống các ngành sản xuất hỗ trợ, như khai thác và xử lý nguyên vật liệu phục vụ cho các loại ngành nghề còn yếu, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển. Mặt khác, các làng nghề thiếu lao động có tay nghề giỏi, không am hiểu về xu hướng thị trường, thiếu ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới, nhất là khu vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống…

Ông Nông Thanh Mẫn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết, để phát triển làng nghề, tỉnh đang chú trọng xây dựng quy hoạch tổng thể các làng nghề nhằm định hướng phát triển phù hợp cho mỗi làng nghề, trong đó có ưu tiên phát triển sản xuất các nghề thủ công gắn với phục vụ du lịch.

Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo tay nghề, nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm gắn với thị hiếu người tiêu dùng; xây dựng các chính sách kết nối thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm truyền thống tới người tiêu dùng, xây dựng các kênh giới thiệu sản phẩm của các tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã theo hội chợ, kênh truyền thông xã hội.

Cùng với đó, Chi cục Phát triển nông thôn Cao Bằng đang xây dựng các kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề thống. Trong đó có việc hỗ trợ mua máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc, giảm thiểu sức lao động và tăng thu nhập cho người dân ở các làng nghề…

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm