Canh trời" trên đảo Hòn Ngư

Canh trời" trên đảo Hòn Ngư

Những cán bộ của Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư (Nghệ An) được ví như các bác sỹ, tuy không kê đơn, bốc thuốc nhưng hàng ngày họ vẫn miệt mài "đo mây, đếm gió" để "bắt bệnh" ông trời. Công việc gian nan, vất vả với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, song vượt lên tất cả chính là sự tận tâm, tận lực để có những thông tin khí tượng, hải văn kịp thời.

*Gắn bó với nghề 

Đảo Ngư nằm cách bờ biển Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) hơn 3 hải lý, gồm hai hòn lớn nhỏ. Hòn lớn cao 133 m, hòn nhỏ cao 88 m so với mặt nước biển. Diện tích đảo vỏn vẹn 2,5 km2. Tại đảo có một trạm khí tượng đặt trên điểm cao nhất của đảo. Trạm chia thành hai điểm, điểm quan trắc nước biển nằm ở dưới chân hòn nhỏ, còn vườn khí tượng được đặt ở trên đỉnh núi.

Canh trời" trên đảo Hòn Ngư ảnh 1Vườn khí tượng trên đỉnh núi. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư có ba cán bộ gồm Trạm trưởng Hoàng Huy, hai quan trắc viên Nguyễn Cảnh Long và Nguyễn Ngọc Sơn, đều là những người trẻ yêu, gắn bó với nghề.

Tâm sự về công việc của mình, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư Hoàng Huy cho biết, những ngày trời yên biển lặng, mỗi ngày, Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư phải chuyển 4 lần thông tin về Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ. Mỗi thông tin chỉ chưa đầy một trang giấy A4, nhưng trách nhiệm của người làm rất lớn.

Quan trắc viên trẻ tuổi Nguyễn Cảnh Long (sinh năm 1989) đã có gần 7 năm công tác tại trạm. Anh chia sẻ: Mỗi thông tin làm ra và được gửi về Đài là một quá trình khó khăn và áp lực, nhất là khi gửi những thông tin liên quan đến bão, áp thấp nhiệt đới... nếu không tập trung, kiên trì, rất có thể xảy ra tình trạng “sai một ly” là “đi một dặm”, các ngành chức năng và người dân dựa vào các thông tin cung cấp, các bản tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để chủ động, đưa ra các phương án ứng phó, phòng, chống thiên tai. Nếu thông tin không chính xác, hậu quả sẽ khôn lường.

Cùng với đó, việc thực hiện nghiệp vụ quan trắc về những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, gió giật mạnh, biển động, sóng cao... cũng rất khó khăn vì những cơn bão hình thành ngoài khơi xa, chịu rất nhiều yếu tố tác động của thiên nhiên, cường độ, hướng di chuyển của bão, sức gió luôn thay đổi nên các số liệu quan trắc vốn là cơ sở phục vụ cho việc ra các bản tin cũng biến động. Nhưng các cán bộ trên đảo vẫn tập trung thực hiện để đưa ra những thông tin đảm bảo độ tin cậy tối đa. Những lần có thời tiết như trên, cán bộ của Trạm phải trực 24/24 giờ để thực hiện công việc quan trắc, thu thập, xử lý và gửi thông tin về Đài.

Để lấy được các số liệu quan trắc là cơ sở để các dự báo viên đưa ra các bản tin, mỗi ca trực đều làm 4 ốp/ngày (4 lẩn quan trắc) vào các thời điểm 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ ở cả trên đỉnh núi và dưới bờ biển để cập nhật các thông số về mây, nắng, gió, mưa, hải văn ... rồi chuyển cho Đài. Vì thế, công việc đòi hỏi phải tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt, phải chính xác tuyệt đối từ giờ giấc đến con số.

*Những hy sinh thầm lặng

Với yêu cầu nhiệm vụ đặc thù, gần như tất cả các trạm khí tượng, thủy văn, hải văn đều được đặt tại những nơi có thời tiết khắc nghiệt và nhiều biến động nhất. Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư cũng không ngoại lệ. Cách bãi biển Cửa Lò khoảng hơn 3 hải lý, nhưng cuộc sống trên đảo Hòn Ngư như một thế giới khác: không điện lưới, không có giếng nước ngọt, không có người dân sinh sống, xung quanh chỉ là tiếng khỉ hú, chim kêu. Điều kiện là vậy, nhưng những cán bộ quan trắc khí tượng, hải văn nơi đây bằng lòng yêu nghề, sự hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trạm Trưởng Hoàng Huy bộc bạch, cuộc sống trên đảo rất khó khăn, nguồn nước ngọt duy nhất để cán bộ trạm sử dụng là nước mưa. Trạm phải sử dụng 3 bể để chứa nước. Mùa hè năm 2020, hạn hán kéo dài đã khiến tất cả các bể gần như cạn kiệt, cán bộ trạm phải nhịn tắm, quần áo thay ra mang xuống biển giặt bằng nước biển và phơi khô. Trạm không có điện, mỗi ngày, Trạm phải nhờ máy phát điện của Đại đội hỗn hợp Đảo Ngư (đơn vị bộ đội đóng quân ở gần Trạm thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) phát điện khoảng gần tiếng 3 đồng hồ (từ 18 giờ đến gần 21 giờ) để sạc máy tính xách tay, điện thoại... Lương thực, thực phẩm phải chuyển từ đất liền vào 1 tuần/lần. Trên đảo, cán bộ của trạm tự nuôi gà, trồng rau nhưng cũng chỉ trồng được các loại rau trong vụ Đông, mùa hè thiều nước không thể trồng được.

"Nơi đây là khu vực có nhiều khỉ và rắn, nhiều nhất là rắn xanh đuôi đỏ, rắn ráo, hổ mang. Khỉ thường xuyên vào trạm phá phách, lấy đồ ăn, phá vườn rau. Với đặc thù có rắn, khi đi làm, chúng tôi thường đi giầy cao cổ, mặc quần áo dài, mang theo gậy để tránh nguy hiểm. Hè năm 2022, rắn hổ mang đã chui vào gầm gường nghỉ. Rất may, cán bộ Trạm đã phát hiện ra và xử lý được", anh Huy chia sẻ thêm.

Có "thâm niên công tác" gần 13 năm ở Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư, anh Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1987) chia sẻ, vất vả nhất đối vẫn là thực hiện nhiệm vụ khi có bão, khi đó, các cán bộ của trạm phải quan trắc, thu thập, ghi chép số liệu 30 phút/lần để gửi đi. Đặc biệt khi có gió, bão, sấm sét mọi người được nghỉ ngơi, cán bộ quan trắc lại phải lên trạm ghi các thông số, kịp thời báo cáo về Trạm, về Đài.

Nhớ lại những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề anh Sơn cho hay, năm 2016, khi đang thực hiện nhiệm vụ quan trắc khí tượng trên đỉnh núi, anh lên cơn đau do bị sỏi thận. Anh vẫn cố gắng thu thập xong số liệu, báo cáo về trạm rồi mới nhờ đồng nghiệp gọi tàu từ đất liền vào và đón đi viện để mổ.

Mùa bão năm 2017, chỉ tính trong vòng 6 tháng cuối năm đã xuất hiện 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào biển Đông. "Tôi nhớ hôm ấy bão về, buổi tối từ trên vườn khí tượng đi xuống, sấm chớp trắng trời, tôi cúi mình đi và xuống đến chân núi thì trạm tan hoang, không còn gì cả", anh Sơn kể lại.

Công việc áp lực và gian nan, nhưng Trạm trưởng và hai cán bộ của Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư vẫn lạc quan bày tỏ, luôn yêu nghề, luôn được gia đình, người thân động viên, ủng hộ nên rất vững tin và quyết tâm vượt qua gian khó để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ Nguyễn Xuân Tiến nhận xét, nhân viên khí tượng hải văn đảo Hòn Ngư là những cán bộ mẫn cán, luôn cố gắng vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Với những nỗ lực của mình, Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư trong các năm 2010, 2016 đã nhận được Bằng khen của Bộ Tài Nguyên và Môi trường vì có đóng góp trong công tác xây dựng và phát triển ngành Tài Nguyên và Môi trường. Giấy khen của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia do hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. Hàng năm cán bộ công tác tại Trạm đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm