Cảnh giác trước nguy cơ hươu nhiễm Omicron có thể lây bệnh cho người

Các nhà khoa học tại Mỹ đang chú ý đến khả năng liệu loài hươu có thể lây truyền virus SARS-CoV-2 sang người hay không sau khi một số báo cáo gần đây ghi nhận loại virus này đã xuất hiện phổ biến ở quần thể hươu đuôi trắng tại Mỹ.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ) đã ghi nhận gần 20 con hươu đuôi trắng tại Đảo Staten, thuộc thành phố New York, đã nhiễm biến thể Omicron trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 - 1/2022. Đây là báo cáo đầu tiên ghi nhận việc biến thể Omicron xuất hiện trên động vật hoang dã.

Canh giac truoc nguy co huou nhiem Omicron co the lay benh cho nguoi hinh anh 1Hươu đuôi trắng tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hôm 7/2, Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) cho biết đã điều tra về quá trình lây lan virus ở loài hươu đuôi trắng tại 15 bang của Mỹ. Trong nghiên cứu công bố hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở bang Pennsylvania đã xác định virus SARS-CoV-2 tồn tại trong khoảng 1/3 số hươu đuôi trắng được lấy mẫu từ bang Iowa của Mỹ trong thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021. Một nhóm nghiên cứu khác cũng đã tìm thấy loại virus này trong 1/3 số hươu mẫu ở bang Ohio từ tháng 1- 3/2021.

Các nhà khoa học lo ngại rằng hươu có thể trở thành vật chủ chứa virus SARS-CoV-2, ngay cả sau khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu ở người. Trong trường hợp xấu nhất, virus có thể tiến hóa ở hươu để né tránh sự tấn công của kháng thể được sản sinh từ vaccine, sau đó lây sang người dưới dạng một biến thể mới nguy hiểm hơn.

Ông Vaughn Cooper, Giám đốc Trung tâm sinh học và y học tiến hóa tại Đại học Pittsburgh (Mỹ), cho rằng kịch bản trên là chưa có tiền lệ và hầu hết người dân Mỹ được bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 nhờ tiêm chủng hoặc quá trình lây nhiễm tự nhiên, điều này khiến một biến thể mới khó có thể vượt qua hệ thống miễn dịch trên cơ thể người.

Đến nay, hươu không phải là loài duy nhất lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học đã phát hiện loại virus này ở mèo, chó, chồn, chồn, lợn và thỏ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến hươu đuôi trắng vì một số lý do là loài này rất dễ bị nhiễm bệnh, phổ biến ở Mỹ và sống gần gũi với con người.

Hiện tại, các nhà khoa học chưa khẳng định liệu loài hươu có thể làm phát tán virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 sang người hay không, thay vào đó mới xác định loại virus này có khả năng lây lan tương đối mạnh trong quần thể hươu do các loài động vật sống theo đàn thường dễ lây nhiễm cho nhau qua nước bọt hoặc phân.

Theo ông Cooper, hươu chỉ có thể lây nhiễm trực tiếp cho con người nếu con người săn bắn chúng. Ngoài ra, cũng có khả năng hươu lây truyền virus sang người qua một vật chủ trung gian, chẳng hạn như động vật gặm nhấm hoặc vật nuôi trong nhà.

Hươu đuôi trắng là loài hươu phổ biến ở hầu hết các bang của Mỹ. Nước này hiện có tổng số khoảng 30 triệu con. Riêng bang Pennsylvania có khoảng 1,5 triệu con.

Lê Đạt

Tin liên quan

Cuộc đua phát triển vaccine phổ quát phòng ngừa các đại dịch mới do virus corona

Theo phóng viên TTXVN tại London, tờ Financial Times của Anh mới đây có bài viết cho biết trong gần 2 năm qua, các hãng dược phẩm và chính phủ đã đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu điều chế, sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột của biến thể Omicron đã cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của thế giới khi các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay chỉ có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 gốc trong khi các mũi tiêm tăng cường chỉ có thể giảm nguy cơ bệnh diễn biến nghiêm trọng, chứ không phòng chống được biến thể Omicron.


Biến thể Omicron có tới 13 đột biến ngược quy luật tiến hóa

Trong một nghiên cứu vừa công bố, một nhóm các nhà khoa học quốc tế phát hiện thấy trong số 53 đột biến của biến thể Omicron có 13 đột biến rất hiếm thấy, thậm chí chưa từng xuất hiện ở những virus corona khác. Về mặt lý thuyết, các đột biến này lẽ ra phải gây hại cho Omicron, nhưng khi kết hợp lại cùng nhau, chúng lại tạo ra một số đặc điểm có lợi cho biến thể này.



Đề xuất