Cảnh báo nguy cơ mắc COVID-19 trong thời gian dài ở những người có hệ miễn dịch suy yếu

 Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer BioNTech tại Privas, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer BioNTech tại Privas, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu gần đây cho thấy một bệnh nhân Anh có hệ miễn dịch suy yếu từng mắc COVID-19 trong 505 ngày liên tiếp, đây là trường hợp mắc bệnh lâu nhất từng được ghi nhận. Người này được điều trị bằng thuốc kháng virus remdesiver và đã qua đời trong năm 2021. Các nhà nghiên cứu đã từ chối tiết lộ lý do gây tử vong và cho biết bệnh nhân mắc một số bệnh nghiêm trọng khác.

Hiện chưa có cách nào để biết chắc chắn rằng liệu đây có phải là ca mắc COVID-19 lâu nhất hay không bởi không phải ai cũng đi xét nghiệm, đặc biệt là ở mức thường xuyên như trường hợp này. Tiến sĩ Luke Blagdon Snell, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Quỹ Guy’s & St. Thomas’ NHS Foundation Trust nhận định 505 ngày dường như là quãng thời gian mắc COVID-19 lâu nhất từng được ghi nhận. Nhóm nghiên cứu sẽ đưa trường hợp này ra thảo luận tại Hội nghị Vi sinh lâm sàng và các bệnh nhiễm trùng châu Âu dự kiến diễn ra tại Bồ Đào Nha vào cuối tuần này.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu xem có xuất hiện đột biến và các biến thể có phát triển ở những người mắc bệnh lâu hay không. Nghiên cứu có sự tham gia của 9 bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ít nhất 8 tuần. Tất cả đều có hệ miễn dịch suy yếu do cấy ghép tạng, nhiễm HIV, bị ung thư hoặc đang điều trị các bệnh khác. Danh tính của các bệnh nhân đều được giữ kín để đảm bảo quyền riêng tư.

Các xét nghiệm liên tiếp cho thấy thời gian mắc bệnh trung bình là 73 ngày. Tuy nhiên, có hai người trong số này nhiễm virus trong hơn một năm. Trước đó, các nhà nghiên cứu cho biết trường hợp mắc COVID-19 lâu nhất được xác nhận qua xét nghiệm PCR là 335 ngày. Việc mắc COVID-19 trong thời gian dài như vậy là hiếm gặp và khác với hội chứng COVID kéo dài. Đối với các trường hợp mắc hội chứng COVID kéo dài, bệnh nhân được mặc định là đã hết virus trong cơ thể song triệu chứng vẫn còn kéo dài. Còn đối với trường hợp mắc bệnh trong thời gian dài, virus vẫn tiếp tục hoạt động trong cơ thể và nhân lên.

Mỗi lần các nhà nghiên cứu xét nghiệm cho bệnh nhân, họ đều phân tích bộ gene của virus để đảm bảo là cùng một chủng và người bệnh không mắc COVID-19 nhiều hơn một lần. Tuy nhiên, việc giải mã trình tự gene cho thấy virus không ngừng biến đổi qua thời gian. Mặc dù các đột biến này cũng tương tự như những đột biến xuất hiện trong các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng hiện nay, song không có đột biến mới nào sau đó trở thành biến thể gây quan ngại.

Trong số 5 bệnh nhân sống sót sau khi mắc bệnh trong thời gian rất dài, có 2 người khỏi mà không cần điều trị, 2 người phục hồi sau điều trị và một người vẫn còn mắc bệnh. Trong lần theo dõi cuối vào đầu năm nay, người này đã mắc COVID-19 trong 412 ngày.

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể phát triển thêm nhiều thêm phương pháp điều trị để hỗ trợ những người mắc COVID-19 trong thời gian dài đánh bại được virus. Mặc dù việc mắc COVID-19 trong thời gian dài hiếm khi xảy ra, song chuyên gia cảnh báo vẫn còn nhiều người có hệ miễn dịch yếu. Họ là đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng và đang nỗ lực tự bảo vệ sau khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Do đó, việc đeo khẩu trang vẫn là các biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Đặng Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm