Cảnh báo nguy cơ gia tăng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Người dân Bến Tre trữ nước ngọt trong ao để sử dụng trong mùa hạn mặn sắp tới. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền- TTXVN
Người dân Bến Tre trữ nước ngọt trong ao để sử dụng trong mùa hạn mặn sắp tới. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền- TTXVN

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về việc đề phòng ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long do giảm lượng xả từ hồ chứa thủy điện thượng nguồn sông Mê Công.

Cảnh báo nguy cơ gia tăng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Người dân Bến Tre trữ nước ngọt trong ao để sử dụng trong mùa hạn mặn sắp tới. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền- TTXVN

Tổng cục Thủy lợi cho biết, theo thông tin của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và một số cơ quan thông tấn quốc tế, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 5/1/2021 đến ngày 24/1/2021 với lưu lượng giảm khoảng gần 50% so với thời gian trước. Lưu lượng xả còn khoảng 1.000 m3/s.

Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc giảm lưu lượng xả sẽ làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2/2021, thời gian ảnh hưởng lớn nhất từ ngày 8/2 - 16/2 với ranh mặn 4g/lít vào sâu ở các cửa sông Cửu Long từ 50 - 70 km, ở các sông Vàm Cỏ từ 85 - 95 km.

Để đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn gia tăng, Tổng cục Thủy lợi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 8286/BNN-TCTL ngày 30/11/2020 về việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021.

Các địa phương tăng cường theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp. Hàng tuần, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đang cung cấp bản tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn.

Các tỉnh, thành lưu ý tăng cường thực hiện việc đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt đủ để sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng. Đồng thời, tăng cường truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất, dân sinh.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên báo cáo tình hình ảnh hưởng của xâm nhập mặn về bộ phận thường trực của Tổ công tác tiền phương phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ năm 2020- 2021 vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nguồn nước mùa khô 2020 - 2021 về Đồng bằng sông Cửu Long qua Kratie (Campuchia) xấp xỉ so với trung bình 10 năm gần đây, lưu lượng nước bình quân tháng 1/2021 cao hơn so với năm 2016 và tháng 2 thấp hơn so với năm 2016. Ảnh hưởng của việc giảm xả thủy điện Trung Quốc được xem như ít có ảnh hưởng đến dòng chảy ở tháng 1, nhưng ảnh hưởng mạnh vào tháng 2.

“Việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc từ ngày 5 - 24/1 xuống còn khoảng 1.000 m3/s được xem là kịch bản đã được lường trước”, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng cho biết.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là việc giảm xả này sẽ ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long vào đúng thời kỳ cả nước chuẩn bị kết thúc năm Canh Tý và đón Xuân Tân Sửu. Dự báo từ ngày 25/1, các ảnh hưởng đến biên giới và hết ảnh hưởng ra đến biển ở đợt giảm xả này đến ngày 25/2. Thời kỳ ảnh hưởng lớn nhất đúng vào những ngày Tết Nguyên đán, từ 8/2 - 16/2, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 50 - 70 km và 85 - 95 km trên sông Vàm Cỏ.

Theo đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ như: vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm