Cần Thơ thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Cần Thơ thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số
Cần Thơ luôn quan tâm đến bình đẳng giới. Ảnh: molisa.gov.vn
Cần Thơ luôn quan tâm đến bình đẳng giới. Ảnh: molisa.gov.vn
Mục tiêu tổng quát của đề án là tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới. Đối tượng của đề án là đồng bào các dân tộc thiểu số ít người; người có uy tín, cán bộ thôn, bản và các tổ chức đoàn thể ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo kế hoạch, năm 2019, thành phố sẽ thực hiện nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình; tổ chức cho người dân tham gia các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung liên quan đến yếu tố giới. Thành phố cũng chủ trương đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực và kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động bình đẳng giới tại địa phương. Các đơn vị, sở, ngành hữu quan sẽ thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trú, bán trú các cấp, người có uy tín ở địa bàn có người dân tộc thiểu số sinh sống. Những nguồn tài liệu về bồi dưỡng năng lực hoạt động bình đẳng giới sẽ được biên soạn phù hợp với điều kiện, trình độ, văn hóa dân tộc của từng nhóm đối tượng. Các đơn vị quản lý tại địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số tập trung phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ trong đồng bào dân tộc thiểu số; huy động sự tham gia của cán bộ thôn, bản, học sinh tại các trường dân tộc nội trú và bán trú trong việc tuyên truyền, vận động, thực hiện bình đẳng giới. Hội Liên hiệp Phụ nữ và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố sẽ phối hợp xây dựng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số; thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em tham gia sinh hoạt, học nghề và nâng cao nhận thức, kiến thức về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình. Thông qua việc thực hiện đề án, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố có 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương và người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số được tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; 80% số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền về bình đẳng giới; 50% các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống xây dựng được mô hình về bình đẳng giới; giảm ít nhất 50% số vụ bạo hành gia đình tại các vùng dân tộc thiểu số. Theo thông tin khảo sát từ Ủy ban Dân tộc thành phố Cần Thơ, tuy những năm gần đây chính quyền thành phố rất nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động nhằm thu hẹp khoảng cách về bất bình đẳng giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số nhưng kết quả thu được vẫn chưa thật sự khả quan. Nguyên nhân chủ yếu là do tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, quan niệm phụ nữ chỉ lo tề gia nội trợ, chăm sóc nuôi dạy con cái đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người dân; nhiều phụ nữ có ít cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm; nhiều chị em còn mang tâm lý tự ti, chưa thực sự cố gắng vươn lên, không dám đấu tranh cho quyền lợi của chính mình để rồi cam chịu cảnh sinh con đàn cháu đống, nghèo túng hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Hồng Giang

Có thể bạn quan tâm