Cần Thơ: Năng động để tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập

Cần Thơ: Năng động để tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập
Cơ hội đan xen thách thức

Năm 2015 là dấu mốc quan trọng của quá trình hội nhập sâu rộng của nước ta vào khu vực và thế giới. Theo Vụ hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao), năm nay là năm thứ 9 Việt Nam gia nhập WTO và tiếp tục thực hiện các cam kết với tổ chức này. Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành vào cuối năm 2015, cùng các cam kết thực hiện cắt giảm thuế đối với hàng hóa từ các nước mà Việt Nam đã ký kết FTA (Hiệp định Thương mại tự do) đa phương hoặc song phương với họ. Năm 2015 cũng là năm thực hiện một loạt các cam kết tự do hóa trong nội khối ASEAN, giữa ASEAN với Trung Quốc sẽ hoàn tất, lúc đó về cơ bản thuế đối với hàng hóa ASEAN vào Việt Nam bằng 0%, thuế suất của phần lớn hàng Trung Quốc giảm xuống còn 0-5%. Bên cạnh đó, các FTA mà Việt Nam đã ký kết như: Việt Nam- Hàn Quốc, Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á-Âu; cùng với các hiệp định đang đàm phán: Việt Nam- khối EFTA (khối mậu dịch tự do EU), RCEP (ASEAn+6), Việt Nam- EU… nếu được ký kết sẽ đem lại không ít cơ hội phát triển cho nước ta.
 

Theo các chuyên gia, để ngành lúa gạo không bị "thua trên sân nhà", ngay từ bây giờ các địa phương vùng ĐBSCL cần phải đầu tư phát triển phân khúc gạo cấp cao phục vụ tiêu dùng nội địa để cạnh tranh với gạo nhập khẩu của nước ngoài.
Theo các chuyên gia, để ngành lúa gạo không bị "thua trên sân nhà", ngay từ bây giờ các địa phương vùng ĐBSCL cần phải đầu tư phát triển phân khúc gạo cấp cao phục vụ tiêu dùng nội địa để cạnh tranh với gạo nhập khẩu của nước ngoài.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, dưới sức ép cạnh tranh và yêu cầu hội nhập, các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội xây dựng lộ trình và chiến lược phát triển để cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với môi trường kinh doanh minh bạch hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu do cắt giảm thuế quan. Mở rộng thu hút đầu tư, cải tiến khoa học công nghệ, tạo ra nhiều việc làm hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh, có cơ hội tiếp cận và áp dụng phương thức sản xuất kinh doanh hiện đại... Tuy nhiên, các địa phương, doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức do năng suất lao động thấp, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và nhiều loại hàng hóa nói riêng chưa cao so với yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nếu không có sự cải tiến mạnh có thể sẽ thua trên sân nhà chứ chưa nói đến cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Đặc biệt, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực do kinh tế trong vùng phụ thuộc vào nền sản xuất nông nghiệp vốn còn yếu thế cạnh tranh. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ thấp, năng lực tài chính hạn chế, khó cạnh tranh nếu không kịp thay đổi. Chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp cũng còn thấp, quản trị kém, chưa chủ động nắm bắt lộ trình, cam kết của ta trong hội nhập kinh tế quốc tế. Sự chuẩn bị tại nhiều địa phương chưa theo kịp với tốc độ hội nhập, thể chế kinh tế thị trường còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp…

Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ trưởng thương mại 12 nước thành viên (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam) vừa tuyên bố chung kết thúc đàm phán. TPP được xem là hiệp định thương mại toàn diện, là FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới, sau khi hoàn tất các nước thành viên TPP có độ bao phủ khoảng 40% kinh tế toàn cầu và đóng góp cho GDP thế giới khoảng 300 tỉ USD mỗi năm. TPP được đánh giá là một trong những hiệp định có nhiều tác động đến Việt Nam trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, TPP sẽ thúc đẩy GDP nước ta tăng thêm 32 tỉ USD, xuất khẩu tăng thêm 68 tỉ USD vào năm 2025 nếu hiệp định này được ký năm nay và thực hiện từ năm 2016, hàng hóa nước ta được tiếp cận thị trường các nước TPP với mức thuế quan bằng 0%, nhất là các nhóm hàng nước ta có thế mạnh xuất khẩu như: thủy sản, dệt may, giầy dép… Song, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào nước ta cũng tăng mạnh, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là đối với nhiều lĩnh vực nông nghiệp vốn còn yếu thế cạnh tranh do giá thành sản xuất ở mức cao và chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Cụ thể, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
 

Lãnh đạo TP Cần Thơ cùng lãnh đạo Bộ Môi trường Hàn Quốc tham quan Hệ thống cấp nước sạch tập trung công suất 2.600m3/ngày tại huyện Vĩnh Thạnh được Bộ Môi trường Hàn Quốc tài trợ gói thiết bị xử lý nước.
Lãnh đạo TP Cần Thơ cùng lãnh đạo Bộ Môi trường Hàn Quốc tham quan Hệ thống cấp nước sạch tập trung công suất 2.600m3/ngày tại huyện Vĩnh Thạnh được Bộ Môi trường Hàn Quốc tài trợ gói thiết bị xử lý nước.

Cần có chiến lược chủ động hội nhập

Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển nhanh và bền vững, nước ta không có lựa chọn nào tốt hơn là phải tiếp tục quá trình hội nhập quốc tế một cách toàn diện và ngày càng sâu rộng hơn. Tuy nhiên, hội nhập mới chỉ là "điều cần" chứ chưa phải đủ, muốn phát triển cần phải có quá trình đổi mới, cải cách mạnh mẽ từ bên trong. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là phải kịp thời cập nhật kiến thức, nâng cao nhận thức và năng lực hội nhập cho đội ngũ cán bộ và các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và cả doanh nghiệp, người dân để tranh thủ các cơ hội mới từ hội nhập. Qua đó, phục vụ tốt cho 3 mục tiêu là đảm bảo chủ quyền quốc gia, giữ vững chế độ chính trị; tranh thủ tốt nhất các nguồn lực từ bên ngoài và nâng cao vị thế nước ta trên quốc tế. Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, cho rằng: "Chính phủ cần xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập, các địa phương, doanh nghiệp cũng cần kịp thời nắm bắt thông tin và có chiến lược chủ động hội nhập. Các địa phương cần xem xét các tác động cụ thể của hội nhập trên từng ngành, lĩnh vực tại địa phương để xây dựng các chiến lược và giải pháp ứng phó thích hợp. Chủ động cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển dịch lao động từ các lĩnh vực bất lợi sang lĩnh vực có lợi thế. Doanh nghiệp không chỉ cần có thương hiệu, có chiến lược kinh doanh tốt mà còn cần có chiến lược vốn tốt, tăng cường liên kết, thu hút vốn từ cổ đông để làm sao cho tỷ lệ vốn vay trên vốn tự có ở mức thấp, giảm rủi ro do sự biến động lãi suất".

Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phải đi theo chuỗi, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển hàng hóa với giá trị tăng cao. Đồng thời điều chỉnh chiến lược cạnh tranh và xác định lợi thế cạnh tranh mới cần xây dựng. Nông dân cũng cần tăng cường liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và khắc phục tình trạng manh mún nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. Ông Cao Trần Quốc Hải, Tân Đại sứ Việt Nam tại Israel, chỉ rõ: "Nông nghiệp là lĩnh vực thế mạnh và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của nước ta, nhất là tại các địa phương vùng ĐBSCL. Do vậy, cần phải tính toán, có chiến lược hội nhập cho nông nghiệp. Chúng ta phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán". Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam hiện có năng suất lao động bình quân thấp nhất trong khu vực, đây là vấn đề cần được các địa phương quan tâm khắc phục trong bối cảnh hội nhập hiện nay nhằm kịp thời cải thiện trình độ, năng suất lao động. Tránh sự cạnh tranh và chuyển dịch bất lợi về lao động khi nước ta tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và FTA.

Theo Tiến sĩ Fredric William Swierczek, Giám đốc Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT Việt Nam), giảng viên và chuyên gia hàng đầu của AIT trong xây dựng chiến lược kinh doanh, mô hình kinh doanh, phát triển thương hiệu và thị trường, tới đây, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, các rào cản phi thuế quan (rào cản kỹ thuật về thương mại, y tế, môi trường…) vẫn còn tồn tại, thậm chí còn gia tăng tại nhiều nước gây cản trở cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nếu các cấp chính quyền và doanh nghiệp trong nước không có giải pháp ứng phó. Ngược lại, hàng hóa nước ngoài với chất lượng khó kiểm soát cũng sẽ tràn vào, nếu Việt Nam không kịp thời có các rào cản kỹ thuật để kiểm soát tốt hàng hóa nhập khẩu. Các doanh nghiệp TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh. Để chủ động nắm bắt cơ hội thị trường tiêu thụ sản phẩm được rộng mở và vượt qua các thách thức, doanh nghiệp trong vùng cần quan tâm tái cơ cấu lại doanh nghiệp, có chiến lược marketing tốt hơn. Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư mở rộng quy mô doanh nghiệp hoặc tăng cường liên kết với doanh nghiệp cùng ngành hàng. Chú ý cải thiện quy trình sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng, hậu cần nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí. Phát triển sản xuất theo hướng sạch nhằm bảo vệ môi trường và giúp tăng khả năng bán hàng nhờ cung cấp được các sản phẩm chất lượng, đảm bảo sự tin tưởng và an toàn cho người sử dụng…

Báo Cần Thơ điện tử

Có thể bạn quan tâm