Cần Thơ muốn trở thành trung tâm cung ứng lúa giống cho khu vực

Cần Thơ muốn trở thành trung tâm cung ứng lúa giống cho khu vực
Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất lúa giống giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông TP Cần Thơ và Viện lúa ĐBSCL. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất lúa giống giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông TP Cần Thơ và Viện lúa ĐBSCL. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, so với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ có nhiều điều kiện thuận lợi trong sản xuất lúa giống chất lượng cao, nhất là điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng. Thành phố Cần Thơ ít chịu tác động của biến đổi khí hậu, không bị ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn; hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp đã được đầu tư khép kín, vững chắc. Cùng với đó, trong quá trình phát triển, diện tích trồng lúa của thành phố Cần Thơ sẽ ngày càng giảm, vì vậy, theo ông Hè, lãnh đạo thành phố xác định sẽ đưa Cần Thơ trở thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa giống chất lượng cao, cung ứng cho toàn vùng chứ không sản xuất lúa hàng hóa như các địa phương khác. Khi triển khai đề án, ngoài sản xuất tại Viện Lúa, đơn vị này còn liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, 200 ha lúa giống được gieo trồng từ nguồn giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, như: OM4900, OM6976, OM7347, OM5451...  đã được thu hoạch với năng suất cao, có nơi lên đến hơn 10 tấn/ha. Ông Nguyễn Văn Tỏ, khu vực Hòa Thạnh A, phường Thới Hòa, quận Ô Môn có hơn 2 công đất sản xuất lúa giống theo quy trình của Viện Lúa, cho biết ông được hỗ trợ 50% chi phí trong vụ đầu tiên này. Ông Tỏ là thành viên của Tổ hợp tác sản xuất lúa giống phường Thới Hòa tham gia sản xuất lúa giống theo quy trình của Viện. Tuy chưa có kinh nghiệm nhưng với quyết tâm cùng sự hướng dẫn cặn kẽ của cán bộ kỹ thuật, ruộng lúa của ông Tỏ cũng như các thành viên khác trong Tổ hợp tác sản xuất lúa giống phường Thới Hòa đều đạt năng suất, đủ tiêu chuẩn làm lúa giống.  Đã quen với cách làm truyền thống từ trước đến nay, những nông dân như ông Tỏ khi bắt đầu sản xuất lúa giống theo quy trình cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, điều làm nông dân phấn khởi là toàn bộ số lúa giống làm ra sẽ được Viện Lúa bao tiêu lại với giá cao hơn 500 đồng/kg so với giá lúa thương phẩm ở thời điểm thu hoạch. Ông Trần Ngọc Trinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác, cho biết trong lần liên kết đầu tiên này, Tổ có 5 ha sản xuất lúa giống. Theo ông Trinh, với quy trình này, lượng giống sử dụng giảm rất nhiều do áp dụng sạ hàng. Bên cạnh đó, các chi phí khác như phân bón, thuốc trừ sâu cũng giảm theo, giúp nông dân nhẹ chi phí bỏ ra, chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/công (1000m2), giảm 500.000 đồng so không áp dụng theo quy trình, từ đó tăng lợi nhuận. 
GS.TS Nguyễn Thị Lang, nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền và chọn giống, Viện lúa ĐBSCL, đi khảo sát lúa giống. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
GS.TS Nguyễn Thị Lang, nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền và chọn giống, Viện lúa ĐBSCL, đi khảo sát lúa giống. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, với 150 ha hợp tác, liên kết sản xuất cùng nông dân, đợt thu hoạch này dự kiến sẽ có khoảng 750 tấn lúa giống chất lượng cao. Lượng giống này sẽ được cung ứng cho vùng sản xuất lúa sạch của thành phố Cần Thơ. Trong quá trình hợp tác, lực lượng kỹ thuật, người nông dân (tham gia liên kết sản xuất), cơ sở sản xuất giống lúa còn được tập huấn chu đáo về kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản giống. Tuy là vựa lúa của cả nước thế nhưng theo báo cáo của ngành chức năng các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây đang thiếu hụt trầm trọng lúa giống, đặc biệt là nguồn giống chất lượng cao. Theo số liệu mà Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch cung cấp, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1,7 triệu ha đất lúa, nếu sản xuất mỗi năm 1 đến 3 vụ, bình quân toàn vùng sẽ có khoảng 4 triệu ha trồng lúa. Nếu tính trung bình mỗi ha cần 100 kg lúa giống thì hằng năm Đồng bằng sông Cửu Long cần đến 400.000 tấn lúa giống. Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch cũng cho biết, nhu cầu về lúa giống rất lớn, trong khi đó các cơ sở sản xuất lúa giống trong vùng do năng lực có hạn nên chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Riêng tại thành phố Cần Thơ, theo báo cáo mới đây của ngành nông nghiệp thành phố, trên địa bàn hiện có 60 cơ sở được cấp mã số kinh doanh lúa giống, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 31.000 tấn lúa giống. Xét về nhu cầu của thị trường, con số này còn khá khiêm tốn. Điều đáng quan tâm là để có nguồn giống sản xuất, không ít hộ nông dân vẫn quen với tập quán cũ, sử dụng cả lúa hàng hóa để gieo trồng hoặc trao đổi với nhau để có lúa giống phục vụ sản xuất. Thực tế còn cho thấy, khi mua lúa giống trôi nổi trên thị trường, nhiều người trồng lúa đã gặp phải tình trạng lúa kém chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều giống lúa xác nhận vốn được sản xuất phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn có biểu hiện thoái hóa, chất lượng không giữ được như ban đầu. Là một nông dân có hơn 30 năm trồng lúa ở ấp An Tài, xã An Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Nin than phiền rằng có những giống lúa trước đây khi mới đưa vào trồng thì cho hạt gạo rất đẹp, nấu thành cơm dẻo và thơm, được thị trường ưa chuộng. Thế nhưng sau 3 đến 5 vụ thì đã khác, chất lượng hạt gạo giảm sút thấy rõ, năng suất cũng không cao khiến nông dân thua lỗ. Đối với người trồng lúa, việc mua phải lúa giống kém chất lượng càng khốn khổ hơn. Ông Viên Thanh Hậu ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cho biết lúa giống kém chất lượng nhìn bề ngoài rất khó nhận biết, chỉ khi gieo sạ, thấy lúa nảy mầm lác đác mới nhận ra. Bà con nông dân nơi đây nhiều người là nạn nhân của gian thương bán lúa giống, có đợt gieo sạ, tỷ lệ hạt lúa nảy mầm chưa tới 60%. Do đó, đề án hợp tác sản xuất lúa giống chất lượng cao giữa Viện Lúa Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đã được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đặc biệt quan tâm. Song song với việc triển khai đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cũng đã ban hành quy trình sản xuất lúa sạch, áp dụng trong vụ Đông Xuân 2017 – 2018 với diện tích ban đầu 10.000 ha. Có thể nói, đây là bước mở đầu trong việc xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, đóng gói, bảo quản, tiêu thụ để nâng cao giá trị, hiệu quả và uy tín lúa giống của thành phố Cần Thơ. Khi có nguồn giống chất lượng cộng thêm áp dụng quy trình sản xuất an toàn thì hạt gạo làm ra mới có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh gạo xuất khẩu của Việt Nam có nhiều lô hàng bị trả về do bị phát hiện tồn dư các chất cấm. Thành công bước đầu của đề án là tiền đề quan trọng để thành phố Cần Thơ từng bước hình thành thương hiệu lúa giống chất lượng cao, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ nói.
Thanh Liêm

Có thể bạn quan tâm