Cần Thơ đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long về tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới

Cần Thơ đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long về tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới
Một góc thành phố Cần Thơ về đêm. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Một góc thành phố Cần Thơ về đêm. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2019, thành phố Cần Thơ có 34/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 94,4% tổng số xã, cao hơn gấp đôi tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn vùng ĐBSCL là 43,8% và bình quân của cả nước là 50,8%. Số tiêu chí đạt bình quân/ xã của thành phố Cần Thơ cũng đạt rất cao là 18,69 tiêu chí so với 15,43 tiêu chí của toàn vùng ĐBSCL và 15,26 tiêu chí trên cả nước. Thành phố cũng đã có 2/4 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới, đó là huyện Phong Điền và huyện Vĩnh Thạnh. Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, việc được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố Cần Thơ đã tạo ra tiền đề cho huyện phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế và tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã được giảm mạnh qua từng năm. Ông Đỗ Sỹ Nhường, Phó Bí thư Thường trực huyện Vĩnh Thạnh cho biết, dấu ấn để lại trong xây dựng nông thôn mới của huyện đó là kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng theo các tiêu chí quốc gia, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tập trung phát triển từ đó giúp cho thu nhập của người dân không ngừng được tăng lên. Thành phố Cần Thơ bắt tay xây dựng nông thôn mới từ năm 2011. Giai đoạn từ 2011-2015, có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 33,33%, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã có thêm 22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo thống kê, tổng nguồn vốn trung bình của 1 xã từ khi bắt đầu xây dựng đến khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới là 296 tỷ đồng được huy động từ 4 nguồn chính là: ngân sách nhà nước chiếm 50,54%, vốn huy động doanh nghiệp chiếm 7,76%, vốn vay tín dụng chiếm 34,31% và vốn do nhân dân đóng góp chiếm 7,39%. Đặc biệt trong xây dựng cơ bản, các địa phương không để xảy ra tình trạng nợ đọng. Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ, có được kết quả trên là nhờ thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực và dồn sức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch nông thôn, trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hóa. Cũng nhờ tích cực đầu tư mà đến nay diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc mới. Theo kế hoạch đến năm 2020, tất cả 36/36 xã và 4/4 huyện của thành phố Cần Thơ sẽ hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ban Chỉ đạo thành phố, huyện và các xã đang tiếp tục thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao đồng thời tiến tới xây dựng xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Cụ thể trong năm 2019, trên địa bàn thành phố có 5 xã đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, đến năm 2025, thành phố Cần Thơ sẽ có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngọc Thiện

Có thể bạn quan tâm