Cận Tết, gia tăng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu

Cận Tết, gia tăng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu
Nhiều bệnh nhân trong tình trạng nặng

Tình trạng lúc nhập viện của các bệnh nhân cũng rất khác nhau. Có người chỉ ở mức độ nhẹ, say xỉn, nôn mửa là chính. Tuy nhiên có khá nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng như hôn mê, tụt huyết áp cùng các tổn thương não nặng nề do suy hô hấp, hạ đường máu, tụt huyết áp kéo dài.

Trong đêm 1/1, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận, điều trị cho 2 bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện. Đây là 2 bệnh nhân khá trẻ, nhập viện trong tình trạng ý thức chậm chạp, mất kiểm soát sau khi uống rượu chào đón năm mới cùng với bạn bè.

Gia đình cho hay, sau khi uống khá nhiều rượu, bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt.

Khi vào viện các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị, ý thức của bệnh nhân đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần theo dõi và điều trị lâu dài.

Chia sẻ về tác hại của rượu bia với sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu "xịn", uống bia không hại gan, nhưng thực chất dù rượu bia "xịn" thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.

"Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Các bác sĩ khuyến cáo: Rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan (biểu hiện tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng hôn mê gan...

Sau uống rượu bia bao lâu thì nồng độ cồn không còn trong máu

Trước băn khoăn của nhiều người về việc "sau uống rượu bia bao lâu thì nồng độ cồn không còn trong máu?", bác sĩ Nguyên cho rằng đây là câu hỏi rất khó trả lời chính xác. Vì thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính phụ thuộc rất nhiều yếu tố như số lượng, chủng loại, nồng độ rượu, sức khỏe cũng như "tửu lượng" của từng người...

"Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Về một số loại thức ăn hay một số loại quả lên men cũng có thể có ethanol như Socola, thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng/họng..., bác sĩ Nguyên lưu ý: Nếu không may ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15 - 30 phút mới tham gia giao thông.

Tuy nhiên, người dân hoàn toàn yên tâm vì lực lượng chức năng có quy trình làm việc xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần hai.
Nguyễn Thị Bích Thủy

Có thể bạn quan tâm