Cần tạo sức hấp dẫn mới để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp

Cần tạo sức hấp dẫn mới để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
Qua 4 năm triển khai Nghị định 210, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đánh giá, kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế. Tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.

Nghị định 210 cũng chưa huy động được sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; một số quy định, tiêu chí quá cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách. Thủ tục chính sách để triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ còn phức tạp và đặc biệt là các “giấy phép con” vẫn còn tồn tại khá nhiều trong ngành nông nghiệp. Thêm vào đó, còn mất nhiều thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục và tổ chức thực hiện ở các cấp, nên chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với doanh nghiệp.

Ngân sách nhà nước giải ngân cho mục tiêu thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp còn rất hạn hẹp. Nếu năm 2015 nguồn ngân sách hỗ trợ thí điểm được 200 tỷ đồng cho 40 dự án, thì năm 2016 chỉ được 185 tỷ đồng. Trong khi đó, huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng từ 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước.

Bởi vậy, đến tháng 9/2016 chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Đặc biệt có năm (2015) số doanh nghiệp nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể còn cao hơn doanh nghiệp thành lập mới. Quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa với quy mô vốn phần lớn ở mức dưới 5 tỷ đồng (chiếm khoảng 55%), 75% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc hết khấu hao.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN Group cho rằng, thay vì trợ cấp giảm lãi suất cần tập trung đơn giản các thủ tục vay vốn, cầm cố, thế chấp đăng ký tài sản đảm bảo. Đặc biệt khuyến khích hình thức cho doanh nghiệp vay để doanh nghiệp ứng trước vật tư, phân bón, giống cho các hộ nông dân, sau đó doanh nghiệp sẽ thu mua nông sản, thanh toán lãi cho ngân hàng (cho vay theo chuỗi).

Bên cạnh đó, chính sách khoa học công nghệ cần tạo điều kiện để doanh nghiệp và nông dân thực sự là khách hàng chính của hàng hóa khoa học công nghệ. Như có chính sách đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp thành lập các viện nghiên cứu, trung tâm cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ; chính sách đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các cơ quan nghiên cứu, tạo điều kiện để các cơ quan sự nghiệp công lập liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các khoa học công nghệ mang tính chất ứng dụng.

Theo ông Nguyễn Khắc Hải, giải pháp thiết thực nhất để hình thành vùng chuyên canh lớn là tạo điều kiện cho nông dân giỏi tích tụ đất đai và liên kết với các nông dân khác. Cùng với đó là chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, giúp nông dân phát triển kinh tế hợp tác. Hay các giải pháp đào tạo nghề, cho vay tín dụng, bảo hiểm theo chuỗi, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng để hình thành vùng chuyên canh, xây dựng các tổ chức trung gian giúp doanh nghiệp liên kết với nông dân.

Từ góc độ cơ quan nghiên cứu chính sách, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhìn nhận, cần hạn chế hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước; xóa bỏ cơ chế xin - cho thông qua việc bỏ quy trình phê duyệt dự án (do doanh nghiệp tự đầu tư); phân cấp mãnh mẽ cho địa phương, tạo cơ chế để các bên chủ động tham gia.

Đồng thời, loại bỏ toàn bộ các thủ tục phải trình lên cấp bộ phê duyệt. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực quốc gia.

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận các tài nguyên về vốn chính sách, ông Nguyễn Trí Ngọc cũng cho rằng, cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa về các thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo cả 3 hướng: giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện và giảm thời gian thực hiện.

Với mong muốn sẽ “tháo bỏ” được những rào cản, khó khăn khi doanh nghiệp đến với nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nêu rõ, sửa đổi Nghị định 210 lần này sẽ tập trung vào tạo cơ chế, chính sách tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển, để cho doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp thì sẽ phát triển mạnh lên. Các hộ kinh doanh trong nông nghiệp có thể phát triển thành doanh nghiệp và tiếp tục thu hút đầu tư ngoài nước ngoài vào nông thôn. Cùng với đó là hạn chế tối đa việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, để tạo môi trường này cần phải rà soát cơ chế, thủ tục hành chính hiện nay để chuyển thủ tục hỗ trợ từ phê duyệt, nghiệm thu đang quá cồng kềnh sang cơ chế tự động có giám sát. Hoặc là tạo ra cơ chế để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có một quy mô đất sạch tối thiểu, cơ chế để doanh nghiệp có thể cùng nông dân tích tụ đất đai. Có cơ chế miễn giảm phí, lệ phí trong chuyển đất giữa nông dân với doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, bảo hiểm, tín dụng, các loại thuế...

“Như vậy, không hẳn cần hỗ trợ bằng tiền để doanh nghiệp đi mua đất của nông dân mà có cơ chế để doanh nghiệp và nông dân thấy cùng có lợi để góp tạo quỹ đất lớn hơn”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Với nút thắt lớn nhất về đất đai, hiện nay một số địa phương như Hà Nam, Thái Bình đang có những cách làm đặc biệt để tích tụ, tập trung đất đai. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, đây được coi như mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm, từ đó có cơ sở để hoàn chỉnh chủ trương, chính sách. Đây sẽ là kinh nghiệm tốt để sửa đổi Luật Đất đai và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện sản xuất lớn và an toàn.
Bích Hồng

Có thể bạn quan tâm