Cần tăng cường quản lý chất lượng thực phẩm ngay từ "gốc"

Cần tăng cường quản lý chất lượng thực phẩm ngay từ "gốc"
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện sản xuất nông nghiệp tại thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành và qua nhiều đường khác nhau. Do vậy, Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong việc quản lý và truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.   
Ngày 23/5/2017, HĐND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý An toàn thực phẩm từ gốc ở Thành phố Hồ Chí Minh – thực trạng và giải pháp”. Trong ảnh: Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Ngày 23/5/2017, HĐND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý An toàn thực phẩm từ gốc ở Thành phố Hồ Chí Minh – thực trạng và giải pháp”. Trong ảnh: Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trước đây người dân bức xúc về thực phẩm bẩn, nhiễm khuẩn nhưng hiện nay điều mà người dân lo lắng là liệu có các chất độc hại nằm trong thực phẩm hay không vì người dân hoàn toàn không thể nhận biết được để chọn lựa hay nói cách khác là không biết thế nào mà chọn lựa  sản phẩm ngon mà an toàn.  

Ông Lê Trường Giang cho rằng, thành phố  cần chọn những mũi nhọn, các điểm đột phá để tập trung giải quyết. Đơn cử, thành phố cần ban hành ngay quy định về quản lý hóa chất phụ gia dùng trong thực phẩm, cần xem đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Các chất phụ gia này phải được sản xuất, chế biến, kinh doanh trong cơ sở thực phẩm có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, được chứng nhận.

Nêu dẫn chứng về việc buôn bán hóa chất tại chợ Kim Biên, ông Lê Trường Giang cho hay, dù Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực nhưng vẫn không thể quản lý được. Trong khi chưa có chế tài cụ thể thì không thể quản lý được các hoạt động mua bán hóa chất. Chưa kể ngoài chợ Kim Biên còn có hàng trăm, ngàn các cơ sở kinh doanh hóa chất khác.  

Thực phẩm khô được bán tại chợ. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Thực phẩm khô được bán tại chợ. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nếu kiểm soát chặt ở 3 chợ đầu mối  sẽ kiểm soát được hơn 90% thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Để làm được điều này cần xây dựng lại quy chế hoạt động của chợ đầu mối với những quy định rõ ràng, chế tài cứng rắn hơn. Ví dụ, khi phát hiện có hàng hóa vi phạm hoặc hàng hóa không có nguồn gốc, cơ quan chức năng cần cương quyết tổ chức tiêu hủy ngay.  

Nhìn nhận từ công tác quản lý nông sản, thực phẩm từ nguồn tại chợ đầu mối, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý và kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức cho biết: Do nguồn hàng chủ yếu đến từ địa phương khác nên Ban quản lý chợ chỉ  có thể truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm đến từ tỉnh nào, còn trước đó việc sản phẩm được nuôi, trồng như thế nào, có sử dụng chất kích thích, tăng trưởng hay không thì không thể  nắm được.

Do vậy, theo bà Nguyễn Thanh Hà: Cơ quan chức năng cần có những quy định như khi nông dân bắt tay vào chăn nuôi, trồng trọt phải đăng ký cụ thể như muốn trồng loại cây gì, sử dụng phân bón như thế nào. Sau khi được cấp phép, nông dân mới tiến hành sản xuất, có như vậy mới giám sát được sản phẩm từ "gốc".  
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.


Cũng tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, muốn quản lý thực phẩm từ "gốc", Thành phố Hồ Chí Minh nên tập trung khuyến khích và kêu gọi đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sạch, xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn với các địa phương.  

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ đề xuất HĐND thành phố ban hành chính sách về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tuy nhiên theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, một việc làm không thể thiếu là các địa phương, các sở, ban, ngành cần tăng cường truyên truyền cho nhân dân, doanh nghiệp, người nuôi trồng, đánh bắt, người kinh doanh nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương kiểm soát thực phẩm tại nguồn, kiểm soát thực phẩm qua 3 chợ đầu mối chặt chẽ hơn.  

Các ngành, địa phương cũng cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm rộng rãi trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý khi có sự cố xảy ra./.   

TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm