Cần sớm quy hoạch hệ thống tượng, tượng đài điêu khắc tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cần sớm quy hoạch hệ thống tượng, tượng đài điêu khắc tại Thành phố Hồ Chí Minh
Xuống cấp, thiếu biểu tượng thành phố 
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 54 công trình tượng, đài gồm 10 công trình đã có từ trước ngày đất nước thống nhất và hơn 40 tượng đài do thành phố xây dựng sau năm 1975.
Tượng liệt sĩ cách mạng Trần Văn Ơn đặt tại Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1). Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Tượng liệt sĩ cách mạng Trần Văn Ơn đặt tại Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1). Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Hầu hết 10 công trình tượng, đài được xây dựng trước năm 1975 đều là tượng danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc như tượng: Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, An Dương Vương, Trần Nguyên Hãn…

Theo các chuyên gia điêu khắc, do điều kiện đất nước còn khó khăn, tất cả các tượng này đều làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, ít bền vững, điển hình như: Tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành (năm 1972); Tượng đài Thánh Gióng, đặt tại Ngã Sáu Phù Đổng (năm 1972); Tượng Phan Đình Phùng đặt tại Bưu điện quận 5 (năm 1972)…

Chỉ một số rất ít được làm bằng chất liệu đá bền vững như: Tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở chợ Kim Biên (năm 1970). Riêng tượng đài Trần Nguyên Hãn từ nhiều năm qua đã được người dân thành phố lẫn khách du lịch quốc tế xem như là một biểu tượng không thể tách rời của Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Năm 2013, tượng đài Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa dũng mãnh nằm giữa vòng xoay Quách Thị Trang (quận 1), trước chợ Bến Thành, điểm đến thường xuyên của du khách, bỗng nhiên bị rớt một chân, tạo ra một hình ảnh không mấy thiện cảm.

Cũng từ đó, giới chuyên môn, nhà điêu khắc và người dân thành phố càng thêm lo lắng tình trạng xuống cấp của một số tượng đài. Sau đó, để lấy mặt bằng thi công tuyến Metro số 1 của thành phố, tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng bán thân Quách Thị Trang (vòng xoay Quách Thị Trang, quận 1) được di dời sang địa điểm khác là Công viên Phú Lâm (quận 6) và Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1).
 
Sau năm 1975, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư, xây dựng mới nhiều tượng điêu khắc ngoài trời như: tượng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng kết hợp với phù điêu ở Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh; công trình tượng bà Mẹ trong Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ; Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ… Điểm nhấn của các tượng này là sự cải tiến về vật liệu thi công đã được thay bằng đồng, đá granite tạo sự vững chãi, chắc chắn hơn so với trước đây.
 
Dù vậy, họa sĩ Siu Quý cho rằng, nhìn tổng thể hệ thống các tượng, tượng đài hiện hữu tại Thành phố thì có đến 75% thuộc về đề tài chiến tranh cách mạng. Do đó, cần có thêm những tác phẩm điêu khắc thể hiện sự phát triển của một thành phố năng động, sáng tạo bậc nhất của Việt Nam.
Tác phẩm "Niềm vui" của nhà điêu khắc Trần Mai Hữu Quý đã bị đỗ, vỡ nhưng vẫn được đặt tại khuôn viên Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, quận 9. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Tác phẩm "Niềm vui" của nhà điêu khắc Trần Mai Hữu Quý đã bị đỗ, vỡ nhưng vẫn được đặt tại khuôn viên Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, quận 9. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN

Ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, thành phố vẫn còn "nợ" người dân về việc xây dựng Tượng đài Thống Nhất và Tượng đài Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Dù nhiều lần được Hội Mỹ thuật, Hội Kiến trúc và các nhà chuyên môn đề cập đến nhưng vẫn chưa biết đặt đâu là phù hợp.
 
Cũng vì lý do không "biết đặt ở đâu", vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất, Chính phủ Pháp cũng đã gửi tặng Thành phố Hồ Chí Minh một mẫu tượng đài theo phong cách hiện đại của thế giới. Vấn đề đặt ở đâu phù hợp đã được Sở Văn hóa và Thể thao thành phố mời Hội Mỹ thuật và Hội Kiến trúc thành phố tham mưu, tư vấn, nhưng thành phố vẫn chưa tìm được vị trí phù hợp nên đành trả lại.
 
Theo ông Lưu, ở các nước tiên tiến trong khu vực, việc quy hoạch hệ thống các tượng đài diễn ra chủ động. Họ có hẳn nhiều bản quy hoạch hệ thống các tượng đài rất cụ thể, thậm chí quy hoạch tượng, đài ở các trường học, chứ chưa nói đến quy hoạch tượng, đài cho một không gian đô thị rộng lớn. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tượng tại thành phố gần như chỉ được chắp vá vào một không gian nào đó khi cảm thấy cần thiết.
 
Cần sớm quy hoạch hệ thống tượng, đài 
Theo các nhà chuyên môn, thành phố đã và đang xây dựng rất nhiều cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại nhưng việc xây dựng, vị trí đặt tượng, đài nhằm tạo mỹ quan đô thị hiện đại chưa được đầu tư đúng mức.
Trẻ em hồn nhiên nằm nghỉ ngay trong lòng tượng, thuộc Công viên Văn hóa Lịch sử Dân tộc, quận 9. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Trẻ em hồn nhiên nằm nghỉ ngay trong lòng tượng, thuộc Công viên Văn hóa Lịch sử Dân tộc, quận 9. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Nhìn nhận tình hình thực tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, các tượng, đài trong thành phố vẫn còn quá ít, chưa tạo được điểm nhấn mang dấu ấn mạnh về văn hóa, thẩm mỹ. Công trình kiến trúc, công viên, bờ sông… vẫn thiếu vắng những tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật, xứng tầm một thành phố văn minh, hiện đại, phát triển và hội nhập.
 
Mặc dù thành phố vẫn thường xuyên tổ chức các trại sáng tác điêu khắc nhằm tìm ra những tác phẩm xuất sắc nhất, phù hợp với sự phát triển, song đến nay, vẫn chỉ là những tác phẩm mỹ thuật được trưng bày một cách đơn thuần, không đáp ứng được yêu cầu cải tạo không gian đô thị.
 
Trại điêu khắc quốc tế năm 2015 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao tổ chức đã thu hút nhiều nhà điêu khắc quốc tế và trong nước tham gia. Đã có những tác phẩm xuất sắc được tôn vinh như: “Kết nối” của nhà điêu khắc Đỗ Thế Thịnh, “Niềm vui” của tác giả Trần Mai Hữu Quý…

Thế nhưng, từ năm 2015 đến nay, hầu hết các tác phẩm được vinh danh đang nằm trước khuôn viên bãi giữ xe Công viên Văn hóa Lịch sử Dân tộc, quận 9. Một số tượng đã xuất hiện tình trạng tượng gãy, đỗ vỡ như: tác phẩm Niềm vui của điêu khắc gia Trần Mai Hữu Quý…
 
Hay trước đó là sự kiện Trại sáng tác điêu khắc diễn ra tại thành phố vào năm 2005 với hàng loạt các tượng được bình chọn, nhưng hiện tại, những tác phẩm này vẫn nằm co cụm, lạc lõng riêng một góc tại khuôn viên Công viên Tao Đàn (quận 3).
Bệ bằng đá của một tác phẩm xuất sắc trong Trại Điêu khắc quốc tế năm 2015 đã bị vỡ vụn. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN
Bệ bằng đá của một tác phẩm xuất sắc trong Trại Điêu khắc quốc tế năm 2015 đã bị vỡ vụn. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN
Theo ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, việc khảo sát hiện trạng của các tượng, tượng đài đô thị tại thành phố vẫn chưa được phân công phân nhiệm rõ ràng, chưa có biện pháp cụ thể về tài chính để lập hồ sơ nghiên cứu khoa học vấn đề này một cách hoàn chỉnh. Ví dụ, bản đồ quy hoạch đô thị mới, cũ có các vị trí tượng, đài như thế nào, cái nào cần giữ lại hoặc dời đi, công tác khảo sát, nghiên cứu ra sao, đặt ở đâu…vẫn còn bị bỏ ngỏ.
 
Để các tượng, đài điêu khắc không bị lãng quên, ông Huỳnh Văn Mười cho rằng cần sớm quy hoạch hệ thống các tượng, đài tại thành phố, hoàn thiện mỹ quan đô thị. Trong đó, vấn đề mà các nhà chuyên môn quan tâm nhiều nhất chính là sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong công tác chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị có liên quan, khẩn trương thực hiện các nghiên cứu, khảo sát tượng, đài mới, cũ, tìm vị trí đặt tượng sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần nghiên cứu việc xã hội hóa trong xây dựng tượng, đài, không nhất thiết phải do nhà nước đầu tư thực hiện.

Tiêu biểu cho tượng được dựng theo hình thức xã hội hóa rất tốt đang hiện diện tại thành phố từ nhiều năm qua là tượng làm bằng sắt, được đặt ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Du, quận 1. Tượng này đã tạo được vẻ đẹp cảnh quan đô thị, toát lên sự hiện đại của một thành phố năng động, sáng tạo. Hoặc nhà nước có thể vận động, khuyến khích doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng một công trình cần có quy hoạch không gian đặt tượng, đài trong khuôn viên, góp phần thay đổi mỹ quan thành phố, ông Mười cho biết.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với lịch sử hình thành và xây dựng hơn 300 năm, hệ thống các tượng, đài tại Thành phố Hồ Chí Minh phải bao gồm các nội dung như: tượng về các danh nhân thời đại; tượng, đài của danh nhân khai phá mở cõi phía Nam, anh hùng liệt sĩ cách mạng, tượng về tôn giáo, tượng trang trí cho các công viên, khu dân cư…. Qua đó, mới có thể truyền tải một cách bao quát xuyên suốt quá trình hình thành phát triển của thành phố, cũng như tạo cảnh quan đẹp, thân thiện, đặc trưng, góp phần thu hút du khách quốc tế đến thăm và lưu trú./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm