Cần nguồn nhân lực đủ về chất và lượng cho du lịch Lâm Đồng – Tây Nguyên phát triển

Là một trong những vùng trọng điểm về du lịch của cả nước, Lâm Đồng – Tây Nguyên đang từng bước đẩy mạnh các giải pháp, các hướng đi mới và phù hợp nhằm đưa ngành du lịch phát triển xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, một trong những việc làm cần thiết và quan trọng hàng đầu là Lâm Đồng – Tây Nguyên phải khắc phục những hạn chế, yếu kém về nhân lực tham gia trong lĩnh vực du lịch, tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập hiện nay.

Một góc Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Một góc Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, Đà Lạt (Lâm Đồng).
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Trong những năm qua, nguồn nhân lực ngành du lịch của Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và tăng dần về chất lượng. Tuy nhiên, theo nhận định chung, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lao động du lịch Tây Nguyên vẫn còn kém so với các khu vực Duyên hải miền Trung, miền Nam, miền Bắc, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.

Theo nhiều chuyên gia, những hạn chế này xuất phát từ việc các cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo, giáo trình, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đào tạo du lịch của Tây Nguyên chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đảm bảo chất lượng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến việc tuyển dụng và sử dụng lao động đã qua đào tạo. Đồng thời còn có tình trạng “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” nhưng không qua đào tạo, không được hướng dẫn bài bản, chuyên nghiệp nên ảnh hưởng lớn tới chất lượng dịch vụ du lịch.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng - tỉnh chiếm trên 60% lượng khách và 90% tổng nguồn thu từ du lịch của cả Tây Nguyên – trong giai đoạn 2011 – 2014 ngành du lịch tỉnh đã đón và phục vụ cho hơn 16,6 triệu lượt khách, trong đó có hơn 860.000 lượt khách quốc tế. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động trực tiếp trong ngành và trên 25 nghìn lao động gián tiếp ngoài xã hội có liên quan đến hoạt động du lịch.

“Nguồn nhân lực du lịch tuy đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhưng nhìn chung còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, nhất là đội ngũ lao động có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp” - bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, thừa nhận.

Riêng về ngoại ngữ, hiện Lâm Đồng mới chỉ phổ biến đào tạo và sử dụng tiếng Anh trong lĩnh vực du lịch. Trong khi tỉnh đang tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến nhằm mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn khách, thu hút khách từ các thị trường như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đức, Pháp, Australia… càng đòi hỏi đội ngũ nhân lực có trình độ các ngoại ngữ khác, cũng như am hiểu cơ bản về văn hóa, giao tiếp để phục vụ các nhóm khách đến từ những nền văn hóa, miền đất khác nhau.

Hiện hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đang hợp tác, liên kết để đưa khách Nga từ Nha Trang lên Đà Lạt và bước đầu thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin và sử dụng các dịch vụ, hai tỉnh cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga cho đội ngũ lao động trực tiếp giao tiếp với khách, kể cả trong và ngoài ngành du lịch, nhất là trình độ thông thạo tiếng Nga của hướng dẫn viên du lịch.

Còn tại nhiều hội thảo, hội nghị xúc tiến du lịch cho Đà Lạt – Lâm Đồng, một số đối tác Nhật Bản cho rằng Đà Lạt còn thiếu hướng dẫn viên tiếng Nhật và hiểu biết văn hóa Nhật, đặc biệt với phân khúc du lịch cao cấp, khách du lịch lớn tuổi của Nhật. Do đó, Đà Lạt cần chuẩn bị một môi trường tiếng Nhật, khách sạn có sử dụng tiếng Nhật và đào tạo hướng dẫn viên phù hợp cho khách cao tuổi Nhật Bản. Tương tự, nhiều đối tác Thái Lan cũng đã chỉ ra hạn chế của Đà Lạt khi thiếu hướng dẫn viên tiếng Thái, hoặc thiếu tài liệu quảng cáo, thiếu cả những bảng hiệu hướng dẫn khách đến với điểm tham quan và các dịch vụ bằng tiếng Thái.

Ông Trần Đình Sơn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Du lịch Đà Lạt, cho rằng để đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển của ngành du lịch Lâm Đồng – Tây Nguyên, cần phải phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, phù hợp với yêu cầu của thị trường, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng du lịch; đồng thời phát huy tính chủ động của các bên có liên quan như nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và bản thân người lao động.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, theo ông Trần Đình Sơn, các cơ sở đào tạo du lịch cần thường xuyên nghiên cứu nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để xây dựng chiến lược đào tạo, xác định quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phù hợp. “Các trường cần tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về kiến thức, kỹ năng thực hành và phương pháp giảng dạy; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại. Tăng cường kỹ năng thực hành nghề của học sinh, sinh viên, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học; tăng thời gian thực tập và tạo điều kiện để người học nâng cao kỹ năng thực hành các nghiệp vụ du lịch” – ông Sơn nhấn mạnh./.

Có thể bạn quan tâm