“Cân não” lựa chọn các môn tổ hợp trong chương trình lớp 10

Các em học sinh tranh thủ ôn tập trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN
Các em học sinh tranh thủ ôn tập trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN

Được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp nên ở chương trình giáo dục phổ thông mới, thay vì học tất cả các môn như trước đây, những học sinh lớp 10 của năm học tới chỉ học 8 môn bắt buộc và lựa chọn thêm 1 tổ hợp. Việc cho phép học sinh được chọn môn học ngay từ đầu cấp Trung học Phổ thông là một bước tiến của chương trình này. Tuy nhiên, khó khăn, lúng túng trong lựa chọn là điều mà cả học sinh, phụ huynh và thậm chí các trường đang gặp phải trong năm đầu tiên triển khai.

“Cân não” lựa chọn các môn tổ hợp trong chương trình lớp 10 ảnh 1Sáng 8/6/2022, hơn 16.400 thí sinh toàn tỉnh Bình Thuận bước vào Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào Trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo và các trường THPT công lập năm học 2022 – 2023. Trong ảnh: Các em học sinh tranh thủ ôn tập trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN

Băn khoăn giữa các tổ hợp

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh từ lớp 10 sẽ có 8 môn học và hoạt động bắt buộc, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng an ninh, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Lịch sử. Bên cạnh đó, các em sẽ phải đăng ký tổ hợp lựa chọn với 4 môn, mỗi môn được chọn từ 3 nhóm, bao gồm: nhóm Khoa học tự nhiên với các môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học; nhóm Khoa học xã hội bao gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật; nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật bao gồm Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Do là lần đầu tiên áp dụng, hơn nữa, việc lựa chọn tổ hợp còn ảnh hưởng đến việc thi cử sau này, định hướng nghề nghiệp mà các em theo đuổi nên không ít phụ huynh lẫn học sinh cảm thấy lo lắng, bối rối, không biết lựa chọn như thế nào là hợp lý.

Em Nguyễn Thùy Trang, Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: Việc chọn tổ hợp ngay từ lớp 10 giúp chúng em giảm bớt các môn học, tập trung học các môn phục vụ cho việc xét tuyển vào đại học. Nhưng ở thời điểm này, em vẫn băn khoăn nên chọn ban Tự nhiên hay ban Xã hội vì các môn em học không quá chênh nhau nên chọn ban cũng hơi khó.

Chị Nguyễn Thúy Thêu (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: Vừa mới vào lớp 10 đã định hướng luôn môn học nên gia đình cũng phải nghiên cứu rất kỹ để lựa chọn được môn học phù hợp với sở thích và sức học của con. Có điều phụ huynh chúng tôi lo lắng là, khi các con đã học được một thời gian nhưng sau đó thấy không phù hợp hoặc không theo được thì có được phép đổi tổ hợp hay không?

Theo công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn "Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo". Như vậy, việc thay đổi sẽ do nhà trường quyết định.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Trung học Phổ thông là định hướng nghề nghiệp nên việc lựa chọn các môn tương ứng với nghề nghiệp là rất quan trọng. Việc thay đổi trong quá trình học sẽ ảnh hưởng đến cá nhân học sinh như: thời gian bổ sung kiến thức, tâm lý, sự hòa nhập trong môi trường học tập khi thay đổi... Vì vậy, nếu bản thân các em chưa chắc chắn trong định hướng nghề nghiệp thì nên lựa chọn nhóm môn học ít ảnh hưởng đến sự thay đổi để tránh gặp các khó khăn trong quá trình học tập.

Tư vấn để lựa chọn môn học phù hợp

Trước những lo lắng, băn khoăn từ phía phụ huynh và học sinh, hiện nay, các trường Trung học Phổ thông đang nỗ lực để hỗ trợ, tư vấn nhằm giúp các em có lựa chọn phù hợp với mình đồng thời phù hợp với năng lực đáp ứng của nhà trường.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Việt Đức, Hà Nội cho biết: Do có quá nhiều băn khoăn, thắc mắc về lựa chọn môn học nên ngoài giáo viên thì tất cả thành viên ban giám hiệu nhà trường cũng phải tham gia tư vấn. Ngoài tư vấn tập trung, trường còn tổ chức các bàn tư vấn chuyên sâu.

Theo cô Nguyễn Bội Quỳnh, trên thực tế nhiều học sinh vừa vào trường vẫn chưa định hướng được năng lực của mình, trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa định hướng cách thức tuyển sinh đại học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới để các em lựa chọn các môn học cho phù hợp. Vì vậy, vai trò của nhà trường là tư vấn để học sinh, phụ huynh bước đầu định hình hướng đi của các em.

Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cũng đang được Trường Trung học Phổ thông Yên Hòa, Hà Nội tổ chức rốt ráo. Với gần 700 học sinh lớp 10 năm nay, trường dự kiến sẽ chia thành 8 lớp theo tổ hợp Tự nhiên và 7 lớp tổ hợp Xã hội. Song học sinh có thể sẽ dồn vào đăng ký 1 tổ hợp nào đó. Vì thế, trường phải đưa ra phương án để sẵn sàng ứng phó.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Yên Hòa chia sẻ: Việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở cấp Trung học Cơ sở chưa nhiều nên các em còn mông lung chưa rõ thích môn gì, định hướng nghề nghiệp ra sao. Khi bước vào lớp 10, học sinh phải lựa chọn môn học phục vụ cho việc chọn ngành sau này thì các em hiện rõ sự lúng túng, ngơ ngác. Thời điểm này có thể khó khăn nhưng khó cũng phải làm vì về sau sẽ rất thuận lợi cho học sinh.

Theo lý thuyết xoay vòng giữa các môn lựa chọn sẽ hình thành hàng trăm tổ hợp môn. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn các trường chỉ xây dựng chương trình từ 4 đến 8 tổ hợp. Một số môn học chưa thể thực hiện ngay trong năm học này vì thiếu giáo viên hoặc thiếu trang thiết bị giảng dạy và cơ sở vật chất.

Ông Trần Trọng Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Xuân Phương, Hà Nội cho rằng, nếu trường chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, thì trước mắt có thể kết hợp với giáo viên các trường Trung học Cơ sở hoặc huy động giảng viên các trường đại học để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vì không phải tất cả học sinh đều chọn các môn nghệ thuật. Do vậy, số lượng giáo viên không cần nhiều và vẫn có thể giải quyết được khó khăn này.

Bên cạnh đó, theo thầy Trần Trọng Hà, trong quá trình tư vấn, nếu học sinh dồn quá nhiều vào một tổ hợp, trước hết nhà trường vẫn tôn trọng quyền lựa chọn của các em nhưng cần tư vấn để học sinh chọn đúng theo năng lực, sở trường chứ không phải theo phong trào.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn mà cả học sinh, phụ huynh và các trường đang gặp phải trong quá trình chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10, mong muốn từ phía các trường là Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cũng như công bố phương thức kiểm tra, đánh giá, nhất là với kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển đại học theo chương trình mới.


Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm