Cần linh hoạt trong cấp giấy tờ để giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động là F0 điều trị tại nhà

Theo dõi sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN
Theo dõi sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN

Kể từ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán trở lại đây, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỗi ngày, cả nước ghi nhận hàng chục ngàn ca mắc mới COVID-19. Đơn cử như ngày 28/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 94.385 ca nhiễm mới, ngày 1/3, con số này là 98.762 ca. Đặc biệt, theo bản tin dịch COVID-19 tối 2/3 của Bộ Y tế, số ca nhiễm mới đã tăng vọt lên 110.301 ca, trong đó 21 ca nhập cảnh và 110.280 ca ghi nhận trong nước, tăng tới 11.537 ca so với ngày trước đó.

Hà Nội là địa phương có số người mắc COVID-19 tăng nhanh nhất cả nước khi liên tiếp có thêm nhiều ca nhiễm mới. Nếu như ngày 1/3, Hà Nội có thêm 13.323 ca mới mắc COVID-19, sang ngày 2/3 đã là 15.114 ca, tăng 1.791 ca so với ngày liền kề trước đó. Hầu hết các ca F0 hiện đang điều trị tại nhà.

Đi liền với số người mắc COVID-19 và điều trị tại nhà tăng lên mỗi ngày, lượng người có nhu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cũng tăng theo. Song, hiện nay, do chưa có quy định cụ thể cho trường hợp này nên nhiều địa phương và nhiều cơ quan chưa có sự thống nhất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây nhiều bức xúc cho người lao động.

Cần linh hoạt trong cấp giấy tờ để giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động là F0 điều trị tại nhà ảnh 1Theo dõi sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN

Mắc từ quy định

Theo quy định tại khoản 1,2 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội, để được hưởng bảo hiểm xã hội khi nghỉ chế độ ốm đau, người điều trị nội trú cần có giấy ra viện và người điều trị ngoại trú cần có giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Việc cấp giấy ra viện với các F0 cơ bản thuận lợi, nếu có đủ giấy tờ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã giải quyết chế độ cho nhiều trường hợp có giấy ra viện.

Vướng mắc hiện nay ở chỗ, đa số trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, không bắt buộc phải tới cơ sở khám, chữa bệnh mà có thể điều trị tại nhà, nhưng việc cấp các giấy tờ làm hồ sơ căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội với người điều trị tại nhà lại chưa có quy định trong các văn bản pháp luật.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, cơ quan Bảo hiểm Xã hội các địa phương và Trung tâm chăm sóc khách hàng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhận được nhiều thông tin, phản ánh về việc các cơ sở khám, chữa bệnh cấp hồ sơ, giấy tờ cho người lao động không đúng theo quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT (quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế) của Bộ Y tế. Nhiều nhất là F0 điều trị tại nhà không được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; khi điều trị tại các bệnh viện dã chiến không được cấp giấy ra viện mà chỉ được cấp giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly. Các loại giấy tờ này đều không đúng với mẫu trong Thông tư 56 của Bộ Y tế, dẫn đến cơ quan Bảo hiểm xã hội không thể thanh toán cho người lao động.

Chính vì lẽ này, nhiều người lao động cho rằng Bảo hiểm Xã hội gây khó dễ trong việc giải quyết thủ tục. Tuy nhiên trên thực tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước, không có thẩm quyền quy định về hồ sơ trình tự, thủ tục.

Từng là F0 vừa điều trị xong, bà Nguyễn Thùy Phương, Trưởng Phòng Bảo hiểm xã hội ngắn hạn, Ban Thực hiện chính sách, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, bà cũng phải đi làm giấy tờ để hưởng bảo hiểm xã hội và nhận thấy có nhiều bất cập.

“Theo quy định, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cấp cho người điều trị ngoại trú, nhưng nhiều người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ, không bắt buộc phải đến cơ sở khám, chữa bệnh, kết quả dương tính xác nhận thông qua test nhanh hoặc phương pháp PCR. Do không trực tiếp đến cơ sở y tế, các trường hợp F0 không được cấp giấy ngay tại thời điểm nghỉ ốm, mà thường sau khi điều trị khỏi bệnh mới đến Trạm Y tế xã, phường để xin giấy chứng nhận. Điều này dẫn đến ngày cấp ghi trên giấy bị lệch (cấp lùi lại) so với thời điểm người lao động bắt đầu nghỉ việc để điều trị, không đúng với quy định tại Thông tư 56 là giấy đó phải cấp trước hoặc trùng với thời gian lao động khám, chữa bệnh, ra viện hoặc nghỉ ốm. Đây là vướng mắc cần xem xét điều chỉnh”, bà Nguyễn Thùy Phương cho hay.

Cần linh hoạt trong cấp hồ sơ giấy tờ

Sớm nắm bắt được vướng mắc của người lao động, từ giữa năm 2021, ngay sau đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Bắc Giang, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế xem xét sử dụng giấy xác nhận hoàn thành cách ly điều trị cho F0 để làm căn cứ thanh toán hưởng bảo hiểm xã hội. Bởi thực tế khi đó, người lao động phải nghỉ việc để điều trị COVID, các hồ sơ giấy tờ đó đều chứng minh họ nghỉ việc, hoàn toàn có thể dùng làm căn cứ thanh toán chế độ cho lao động, đỡ phát sinh thủ tục hành chính và giảm áp lực cho các y bác sĩ lẫn nhân viên y tế địa phương.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID 19, số người mắc COVID-19 điều trị tại nhà gia tăng mà Thông tư số 56/2017/TT-BYT chưa có quy định về việc cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội đối với các F0 điều trị tại nhà, tại các cơ sở thu dung điều trị, cơ sở 3 tại chỗ…, cũng như người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ dưới 7 tuổi là F0 điều trị tại nhà. Kể từ tháng 6/2021 đến nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có 5 công văn báo cáo, đề nghị với Bộ Y tế về thực trạng này.

Mới đây nhất, ngày 5/1/2022, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có Công văn số 10/BHXH-CSXH gửi Bộ Y tế đề xuất một số nội dung về hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Trong đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phản ánh một số cơ sở y tế đã cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và giấy tờ khác để làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động điều trị COVID-19 không đúng quy định hoặc chỉ định cho bệnh nhân điều trị ngoại trú quá dài ngày cho một lần khám bệnh, chữa bệnh chưa đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

Liên quan đến vấn đề này, trong Công văn số 238/BYT-KCB ngày 14/1/2022 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện trường Đại học, Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây, Bộ cũng nhận được phản ánh, kiến nghị của một số sở y tế, tập thể, cá nhân đề nghị hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với F0 điều trị tại nhà; đề nghị Bộ Y tế xem xét công nhận “giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly của chính quyền địa phương” cấp có giá trị để làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hoặc đề nghị Bộ Y tế công nhận các giấy tờ, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã cấp cho người điều trị COVID-19 do các cơ sở điều trị người mắc COVID-19 cấp không đúng quy định của pháp luật thì vẫn có giá trị để làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Dẫn quy định tại Khoản 1, Điều 100, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế cho rằng, người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Thông tư số 56/2017/TT-BYT có nội dung quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay, các văn bản luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, chưa có quy định chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan Bảo hiểm xã hội làm cơ sở quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Trước việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội gặp một số vướng mắc do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung chưa được quy định trong các văn bản Luật để báo cáo, đề xuất với Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để giải quyết các vấn đề trên. Căn cứ Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định của pháp luật hiện hành khác, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị có liên quan xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT để đảm bảo các quy định phù hợp tình hình thực tế.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, trong thời gian chờ các văn bản được các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, đề nghị các đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cấp và quản lý giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Theo bà Nguyễn Thùy Phương, quy định của Bộ Y tế không đáp ứng được thực tiễn phát sinh là hàng trăm nghìn F0 đang điều trị tại nhà, các cơ sở thu dung, gây ra những bức xúc xã hội. Trong lúc dịch dã, khó khăn hiện nay, Cơ quan Bảo hiểm Xã hội nhận thấy cần có sự linh hoạt, cải cách thủ tục trong cấp hồ sơ giấy tờ để nhanh chóng giải quyết quyền lợi cho người lao động.

“Nếu người lao động nhận được giấy tờ không đúng quy định như Thông tư 56, Bảo hiểm xã hội cũng không có căn cứ để giải quyết được. Nếu Bảo hiểm Xã hội tiếp nhận những giấy tờ này để giải quyết cho người lao động, khi thanh tra, kiểm tra lại có thể phải thu hồi, nên vẫn phải thực hiện theo quy định”, bà Nguyễn Thùy Phương nói.

Trưởng Phòng Bảo hiểm xã hội ngắn hạn cho biết thêm, tại Hà Nội, Sở Y tế đã có Công văn 415 ban hành ngày 22/1/2022, hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội với người lao động là F0 điều trị tại nhà. Người lao động có thể căn cứ văn bản này để yêu cầu các trạm cấp giấy. Sở Y tế các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An đã có chỉ đạo các Trạm Y tế cấp Giấy nghỉ ốm cho người lao động. Với các tỉnh, thành phố mà ngành Y tế chưa có hướng dẫn sẽ vẫn phải chờ.

“Trong khi chờ Thông tư mới ban hành, F0 điều trị tăng cao, chúng tôi vẫn mong muốn y tế các địa phương sớm chỉ đạo, hướng dẫn y tế cơ sở nhanh chóng cấp Giấy chứng nhận nghỉ ốm cho F0 điều trị tại nhà, hoặc chấp nhận các loại giấy tờ tương tự để người lao động được hưởng quyền lợi, đỡ mất công đi lại xin các loại hồ sơ, giấy tờ”, bà Nguyễn Thùy Phương bày tỏ.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm