Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình:

Cần giới thiệu giá trị Mộc bản Triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới đến bạn bè quốc tế

Cần giới thiệu giá trị Mộc bản Triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới đến bạn bè quốc tế
Cần giới thiệu giá trị Mộc bản Triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới đến bạn bè quốc tế ảnh 1
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đến thăm các khu trưng bày, phòng bảo quản và phục hồi tài liệu mộc bản. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN
Sau khi đến thăm các khu trưng bày, phòng bảo quản và phục hồi tài liệu Mộc bản bị xuống cấp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao ngành Lưu trữ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc bảo quản và khai thác giá trị khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn – di sản tư liệu thế giới. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những cố gắng và kết quả đạt được của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, đặc biệt là cán bộ, công chức, người lao động thuộc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV trong việc giữ gìn những di sản tư liệu quý, hiếm của quốc gia.

Phó Thủ tướng hoan nghênh phương pháp, cách tổ chức bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản quý giá này. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến việc giữ gìn bảo tồn, phát huy các di sản mà cha ông đã để lại, đồng thời có nhiều chính sách, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn và tôn tạo, phát huy những giá trị của di sản. Theo đó, từ năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước xây dựng, thực hiện đề án “Cấp cứu Châu bản, Mộc bản”. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo quản và phát huy giá trị Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới ”. 


Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lập phương án đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất tương xứng, phù hợp nhằm lưu trữ an toàn và phát huy giá trị của Mộc bản Triều Nguyễn; giao cho Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn tài liệu để thực hiện trưng bày, triển lãm ở nước ngoài nhằm tuyên truyền giới thiệu các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Về việc khai thác tốt hiệu quả của khối tư liệu này trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ biên giới lãnh thổ và việc nghiên cứu khoa học, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu triển khai theo hình thức xã hội hóa... 
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và cán bộ, nhân viên Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chụp ảnh chung. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và cán bộ, nhân viên Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chụp ảnh chung. Ảnh: Đặng Tuấn  - TTXVN
Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước hiện có 4 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia đang bảo quản hơn 30 km giá tài liệu. Đặc biệt trong đó có khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, khối tài liệu Châu bản Triều Nguyễn được công nhận là di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Riêng tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phú lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 được công nhận là bảo vật quốc gia.

Thời gian qua, Cục văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức nghiên cứu, ứng dụng phương pháp vệ sinh tài liệu Mộc bản và xây dựng giải pháp hoàn thiện môi trường bảo quản, đồng thời tiến hành xử lý phân loại, ghép nội dung của các mảnh vỡ. Đến nay về cơ bản đã cơ bản hoàn tất việc ghép nội dung của 2.392 mảnh vỡ.

Bên cạnh đó, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước liên tục cung cấp tài liệu Mộc bản, Châu bản Triều Nguyễn phục vụ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam làm bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; góp phần giải quyết các bất đồng về biên giới, lãnh thổ, phục vụ việc xác định và cắm mốc biên giới phía Bắc và Tây Nam./. 
Đặng Tuấn

Có thể bạn quan tâm