Căn cứ H9 ở Đắk Lắk – “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước

Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966). Ảnh: daklakmuseum.vn
Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966). Ảnh: daklakmuseum.vn

Ngày 22/11, tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ khánh thành Bia di tích lịch sử “Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966)”.

Căn cứ H9 ở Đắk Lắk – “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước ảnh 1Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966). Ảnh: daklakmuseum.vn

Phát biểu tại Lễ khánh thành Bia di tích lịch sử, đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ, Khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965-1975 nằm trên sườn núi Chư Yang Sin (huyện Krông Bông, Lắk). Vào tháng 7/1966, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III đã diễn ra tại buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn 1965-1975). Đại hội đã xác định nhiệm vụ trung tâm là toàn Đảng bộ, quân, dân toàn tỉnh cùng với quân, dân cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy; mở rộng vùng giải phóng, xây dựng vùng căn cứ cách mạng và đẩy mạnh các cuộc tấn công để giành thế chủ động trên chiến trường. Đại hội cũng bầu đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên làm Bí thư Tỉnh ủy, bầu đồng chí Huỳnh Văn Cần làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965-1975 cũng là nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV (tháng 4/1969, tại buôn M’nang, xã Yang Mao, huyện Krông Bông) và lần thứ V (tháng 10/1971, tại bản H’Ngô, xã Cư Pui, nay là xã Hòa Phong, huyện Krông Bông). Điều này đã chứng minh tầm quan trọng của Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965-1975. Khu căn cứ kháng chiến đã góp phần của mình vào thắng lợi chung của công cuộc giải phóng dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn nhấn mạnh: Công trình Bia Di tích lịch sử “Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966)” nằm trong hệ thống 13 Bia Di tích lịch sử của Khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965-1975 là công trình có ý nghĩa chính trị to lớn nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk lắk (23/11/1940-23/11/2020). Đồng thời, đây cũng là một “địa chỉ đỏ” để thế hệ sau ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, thấm nhuần truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc.

Ông Y Thức Êban, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông, cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965-1975 tại huyện Krông Bông mang mật danh H9. Nhân dân các dân tộc tại H9 đã đóng góp hàng ngàn ngày công vận chuyển gạo, muối, quân trang, quân dụng, thuốc men, bảo vệ hành lang an toàn phục vụ cho các chiến trường trong tỉnh và Quân khu 5. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, nhân dân các dân tộc H9 vừa lao động sản xuất nuôi quân vừa chống địch càn quét, đánh phá để bảo vệ căn cứ địa H9 vững chắc. Nhờ đó mà căn cứ H9 trở thành địa điểm tổ chức ba kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm