Cần cơ chế đặc thù để để huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông vùng Tây Nam bộ

Cần cơ chế đặc thù để để huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông vùng Tây Nam bộ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng kết nối hạ tầng giao thông vùng Tây Nam bộ là triển khai những công trình dự án trọng điểm mang tính chất kết nối giữa các tỉnh trong vùng với nhau và giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với các vùng khác. Trong 5 năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông lớn góp phần phát triển kinh tế xã hội trong vùng như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi... đã phá thế ngăn sông cách trở kết nối với các vùng. Mặc dù nhu cầu phát triển rất lớn nhưng do đặc điểm vùng Tây Nam bộ có nền đất yếu, nhiều kênh rạch sông ngòi chằng chịt nên vốn đầu tư lớn, hiệu quả đầu tư thấp nên các nhà đầu tư BOT rất ngại vào đầu tư. Các ngành, địa phương còn nặng đầu tư vào đường bộ với 80-90% vốn trong khi tiềm năng về đường thủy còn rất lớn nhưng chưa được đầu tư đúng mức, mới chỉ đạt 11% và đầu tư thiếu đồng bộ. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN

Bên cạnh đó, hệ thống kết cầu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vẫn còn kém phát triển, công tác quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế. Vấn đề liên kết vùng cũng chưa được chú trọng đầu tư các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Trong vùng phải chuyển tải lên thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ hơn 80% sản lượng hàng hóa; trong đó đến 70% được vận chuyển bằng đường bộ, vừa gây áp lực cho đường bộ, làm tăng chi phí, giảm mức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản. Tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng còn thấp với 16% vốn BOT đầu tư trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh là 66-67%. Ngay cả những địa phương được đầu tư nhiều nguồn vốn BOT lại là những địa phương còn nhiều khó khăn tại các tỉnh duyên hải miền Tây như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng... nên khó thu hồi vốn. 

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương trong vùng rà soát để đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 theo thứ tự đầu tư ưu tiên với các nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn, vốn Trái phiếu Chính phủ, ODA, ngoài ra là các nguồn nằm trong các Chương trình mục tiêu để giải quyết bài toán hạ tầng giao thông cho vùng, để trình Thủ tướng, trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới. 

Theo Phó Thủ tướng, một số dự án cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2016-2020 như: Quản lộ Phụng Hiệp đi qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, dự án nâng cấp hoàn thiện QL60 qua các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, sớm hoàn thiện cầu Đại Ngãi trên QL60 nhằm phát triển các tỉnh phía Đông (các tỉnh duyên hải của Vùng là các tỉnh khó khăn nhất hiện nay). Đồng thời, hoàn thành việc đầu tư nâng cấp các trục ngang gồm Quốc lộ Nam Sông Hậu, QL 91C, Quốc lộ 1 tuyến Cà Mau - Năm Căn, cầu Mỹ Thuận 2, tuyến nối thành phố Vị Thanh - Bạc Liêu, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ... Yêu cầu các bộ ngành và địa phương tiếp tục triển khai, rà soát và đề xuất kịp thời điều chỉnh Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics Vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2016 – 2020 cho phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Nam Bộ, chú trọng đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng có tính kết nối vùng... 

Có thể bạn quan tâm