Cần chính sách khả thi với giáo viên vùng cao

Cần chính sách khả thi với giáo viên vùng cao
Tuy Nhà nước và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ và tạo điều kiện cho giáo viên được chuyển vùng nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều thầy giáo, cô giáo công tác lâu năm ở vùng cao, không có điều kiện để chuyển vùng. 

Cần chính sách khả thi với giáo viên vùng cao ảnh 1
Trưởng bản Giàng Seo Lồng xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đưa các em học sinh đến lớp. Ảnh:Văn Tý - TTXVN

Cô giáo Nguyễn Thị Đàm (Hạ Hòa - Phú Thọ), tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, tình nguyện lên vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu) và dạy học tại một điểm trường tiểu học. Thời gian cô Đàm công tác đến nay đã 21 năm. Đối với cô, mảnh đất Sìn Hồ đã quá thân quen, học trò vùng cao nơi đây đã quá gần gũi. Song, điều kiện dạy học, ăn ở và nhất là đi lại với cô quả là thiếu thốn và nhọc nhằn. Cô có ước mong được chuyển vùng về quê công tác và nghỉ hưu tại quê nhà nhưng thực tế chỉ tiêu nơi nhận chuyển vùng quá khó vì thế, cô vẫn phải ở lại Sìn Hồ công tác. Có thời gian, cô nêu nguyện vọng xin nghỉ hưu sớm nhưng không được, đành gửi con về quê nhờ gia đình chăm sóc. 

Cần chính sách khả thi với giáo viên vùng cao ảnh 2
Các em học sinh Trường Tiểu học Pu Sam Cáp huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu ôn luyện văn hóa, chuẩn bị cho năm học mới.
Ở lại vùng cao lâu năm, đối với các thầy cô giáo đó là một hạnh phúc khi được gieo con chữ cho con em đồng bào các dân tộc. Nhưng phía sau niềm hạnh phúc đó là phải đối mặt với những khó khăn không thể nói thành lời. Trường thì ở xa trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất nói tuy có khá hơn nhưng thực chất vẫn khó, vẫn xa và vẫn nhọc nhằn cho thầy cô. Rồi nhà ở, nước sạch, hàng tiêu dùng khá thiếu. 
Vấn đề khó khắc phục ngay là về cơ sở vật chất. Hiện nay, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học bằng vốn trái phiếu Chính phủ đang được thực hiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu vốn của xã hội còn nhiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm việc sát hơn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư để tìm phương án khả thi với tinh thần ưu tiên cho những vùng khó khăn nhất.
                    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Đường vận chuyển xa nên giá cả các mặt hàng đưa vào xã giá tăng gấp đôi. Các thầy cô vừa phải lo dạy học, vừa phải lo tính toán chi tiêu sao cho vừa đủ ăn hàng ngày, vừa tiết kiệm gửi về cho con cái và gia đình. Đường đi làm hàng ngày thì nhiều khi mưa lũ, sạt núi không qua được. Đó là chưa kể thời tiết khắc nghiệt, giá rét thấu xương. Đây là một trong nhiều lý do để một số giáo viên không có tư tưởng định cư lâu dài ở vùng cao. 
Tại trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai), ngôi trường đóng trên địa bàn xã vùng cao Nghĩa Đô, được nhà nước xây dựng khu nhà học 4 tầng khá khang trang còn nhà ở của giáo viên thì chủ yếu là “vận động”. Hai dãy nhà cấp 4 ngăn bằng vách nứa. Ngày nắng là thế, ngày mưa thì dột tứ phía. Sau hơn 10 năm, trường mới huy động nguồn xã hội hóa đã tu sửa lại cho nhà ở của các thầy cô khang trang hơn, tường chát xi măng thay cho vách nứa. Mặc dù vậy, đa số những hàng chân cột mối đã ăn rỗng cả. Sửa xong một dãy nhà trái, còn dãy phải do thiếu kinh phí nên mới sửa được một nửa. Cô giáo Vũ Thị Trang (Bắc Giang) lên dạy học ở Nghĩa Đô đã 12 năm nay cùng đồng nghiệp của mình “định cư” trong những căn hộ tập thể như thế. 
Khó khăn trong việc luân chuyển công tác của giáo viên vùng cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân thừa chỉ tiêu ở nơi muốn đến. Có thầy cô ở nhiều vùng tuy đã làm hồ sơ xin chuyển nhưng bao năm, bao tháng vẫn lặng lẽ ở lại vùng cao. Cô giáo Phạm Thị Như Khánh (giáo viên ngữ văn trường THCS Nghĩa Đô - Bảo Yên - Lào Cai) dạy học ở Nghĩa Đô đến nay đã 15 năm, quê ở thành phố Lào Cai, cách nhà tới hơn 100 km. Khi hết nghĩa vụ công tác tại vùng khó cô làm đơn xin chuyển vùng về Lào Cai và vùng ven thành phố nhưng chưa được. Vì thế, mặc dù xa nhà, nhớ con và điều kiện sinh hoạt ở gặp nhiều khó khăn nhưng cô Khánh vẫn ở lại Nghĩa Đô dạy học.
Báo tin tức

Có thể bạn quan tâm