Cần bổ sung quy định cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cần bổ sung quy định cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 24/3, Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc dẫn đầu, đã làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về chính sách phát triển kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cần bổ sung quy định cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Tuấn Kiệt - TTXVN

Buổi làm việc nhằm tham vấn chính quyền địa phương liên quan đến dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry cho biết, với chức năng tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về xây dựng chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, Hội đồng Dân tộc mong muốn lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cùng các ngành, địa phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã tập trung góp ý vào Chương II, chính sách đối với hợp tác xã của dự thảo Luật hợp tác (sửa đổi). Các ý kiến phát biểu từ các nhà quản lý, các hợp tác xã sẽ được xem xét đưa vào dự thảo Luật hoặc Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin, năm 2022 là dấu mốc quan trọng về hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại địa phương. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã khôi phục trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, khu vực này còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào biến động mạnh; thị trường tiêu thụ không ổn định; dịch bệnh và các tác động tiêu cực khác từ môi trường tự nhiên.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có 215 hợp tác xã (trong đó, 7 hợp tác xã có người dân tộc thiểu số tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý, như Hợp tác xã An Hưng Phát (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), Hợp tác xã rau củ quả Phước Sang (xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hồng (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long), hai Liên hiệp hợp tác xã và 515 tổ hợp tác.

Để lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động ngày càng thực chất, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nghiên cứu, tham mưu Quốc hội sửa đổi Luật Hợp tác xã theo hướng hoàn thiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn phát triển.

Các chính sách và mô hình phát triển cần phù hợp với đặc điểm vùng, điều kiện sản xuất và nhu cầu thiết thực của đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung ưu tiên chính sách đào tạo nguồn nhân lực, thu hút lực lượng trẻ, có trình độ về làm việc tại hợp tác xã; có chính sách đầu tư hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng riêng đối với các hợp tác xã có số lượng lớn người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

Trung ương cần quy định cụ thể về biên chế, kinh phí, điều kiện hoạt động của Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (trong đó có Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh) trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Cùng với đó, cần quy định thống nhất tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, cấp tỉnh, cấp huyện, đảm bảo có cơ quan chuyên trách đủ điều kiện tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tại buổi làm việc, đại diện các ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh Bạc Liêu nêu lên một số đặc điểm đặc thù của các hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số, những khó khăn, tồn tại của các các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến đề xuất một số nội dung cụ thể vào Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm giải quyết các khó khăn và hỗ trợ thúc đẩy phát triển các tổ chức kinh tế tập thể vùng dân tộc thiểu số nói chung và Bạc Liêu nói riêng, chủ yếu vào 8 nhóm chính sách liên quan. Đó là các chính sách: phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; thuế, phí và lệ phí; chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.

Các đại biểu đề nghị bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Luật cần được chi tiết quy định rõ tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung và đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là bao nhiêu phần trăm; quy định rõ tỷ lệ số lượng thành viên hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiến nghị đưa vào Luật quy định giao Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh quản lý và điều hành hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Bân cạnh đó, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể về số thành viên tối thiểu để thành lập hợp tác xã và tổ hợp tác; có chính sách ưu đãi những hợp tác xã có nhiều thành viên là phụ nữ người dân tộc; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ là người dân tộc thiểu số; có ưu đãi về nguồn vốn; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo đầu ra sản phẩm cho hợp tác xã, tổ hợp tác ở vùng dân tộc thiểu số.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry đánh giá cao những kết quả tỉnh Bạc Liêu đạt được trong phát triển kinh tế tập thể, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Bà Trần Thị Hoa Ry đề nghị sau buổi làm việc, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn tổng hợp ý kiến, góp ý vào Dự thảo Luật Hợp tác (sửa đổi), trong đó lưu ý đến những chính sách phát triển kinh tế tập thể vùng dân tộc thiểu số để Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sớm được hoàn thiện, trình Quốc hội trong kỳ họp tới, thông qua đó, tạo đột phá quan trọng trong việc phát triển khu vực kinh tế tập thể.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm