Cần bảo tồn đa dạng sinh học vùng đất ngập nước đầm Lăng Cô

Cần bảo tồn đa dạng sinh học vùng đất ngập nước đầm Lăng Cô
Một góc Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Nhật Anh- TTXVN
Một góc Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Nhật Anh- TTXVN

Vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu (huyện Phong Điền) là một phần của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nơi có tính đa dạng sinh học rất cao với hơn 900 loài động, thực vật. Cửa sông Ô Lâu nằm trên địa phận 5 xã: Điền Hòa, Điền Lộc, Phong Chương (Phong Điền), Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền). Đây là vùng giao lưu giữa nước ngọt của sông và nước lợ của đầm phá, tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng các loài động, thực vật. Đây cũng là nơi sinh sản của phần lớn các loài thuỷ sản có trong vùng đầm phá và là một trong những điểm dừng chân của các loài chim di trú theo mùa. Theo thống kê, hàng năm, có khoảng 57 loài chim trú đậu; trong đó, có 22 loài được ghi trong danh sách bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng châu Âu. 

Khác với cửa sông Ô Lâu, đầm Lập An, Lăng Cô có dạng một túi nước ăn sâu vào đất liền với diện tích mặt nước khoảng 1.655 ha và biệt lập với các đầm phá khác trong hệ đầm phá Tam Giang. Trước đây, tại bãi triều khoảng 300 ha ở phía Tây và phía Đông của đầm có thảm thực vật ngập mặn phát triển khá tốt, nhưng nay đã bị suy thoái nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc việc bảo tồn, trồng rừng ngập mặn ở đầm Lập An, Lăng Cô không chỉ góp phần vào việc điều hòa khí hậu, bảo vệ vùng đất ven biển, đầm phá mà còn giúp cho tích lũy phù sa, tạo điều kiện phát triển kinh tế cũng như nâng cao ý thức cho người dân địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Toàn cảnh Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) nhìn từ đèo Hải Vân. Ảnh: Nhật Anh- TTXVN
Toàn cảnh Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) nhìn từ đèo Hải Vân. Ảnh: Nhật Anh- TTXVN

Với việc xây dựng dự án "Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết tại tỉnh Thừa Thiên - Huế", tỉnh Thừa Thiên - Huế đang hướng tới việc hình thành khu bảo tồn theo phương thức đồng quản lý sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân về giá trị của đa dạng sinh học, quyền lợi và trách nhiệm của người dân để đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất và quản lý. Riêng cửa sông Ô Lâu, ý tưởng thành lập khu bảo tồn vùng đất ngập nước ở đây được tiến hành và xây dựng từ cách đây hơn 8 năm bởi một số đơn vị như ICZM (Quản lý tổng hợp vùng bờ), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cục Môi trường-Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay mới hình thành dự án. Do chậm được hiện thực, dẫn đến nguy cơ suy giảm nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tại vùng này đang gia tăng, ảnh hưởng xấu đến môi trường và đa dạng sinh học. 

Thời gian gần đây, tại đầm Lập An, Lăng Cô, được sự hỗ trợ từ Tổ chức Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành trồng hơn 3.000 cây ngập mặn ở vùng ven đầm. Tính tổng cộng 3 đợt, kể từ đầu năm 2016 đến nay đã có tổng cộng gần 10.000 cây ngập mặn được trồng tại vùng ven đầm Lập An, Lăng Cô. Hai loại cây chính được trồng ở đây là cây mắm (tên khoa học là Avicennia marina thuộc họ Verbenaceae) và cây đước (tên khoa học là Rhizophora apiculata Blume). Đây cũng chính là 2 loại cây trồng chủ lực trong dự án trồng rừng ngập mặn ở vùng ven đầm phá Thừa Thiên - Huế trong những năm qua. 

Một góc Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Nhật Anh- TTXVN
Một góc Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Nhật Anh- TTXVN

Trước đó, UBND thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) cũng đã triển khai thực hiện dự án "Mô hình quản lý và phục hồi rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng ở đầm Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô", góp phần bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên vùng đất đã quy hoạch đầm Lăng Cô. Để thực hiện mô hình này, thị trấn Lăng Cô đã đầu tư gần 500 triệu đồng giúp cho cộng đồng dân cư trồng được hơn 2.000 cây mắm, tra, cóc...; thả hơn 500 con cá nâu và 700 con cua giống để làm giàu nguồn lợi thủy sản ở đầm Lăng Cô.../. 

   

Có thể bạn quan tâm