Cải tạo vườn tạp giúp nông dân huyện miền núi Như Xuân tăng thu nhập

Cải tạo vườn tạp giúp nông dân huyện miền núi Như Xuân tăng thu nhập
Người dân huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cải tạo vườn tạp để nâng cao thu nhập.Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Người dân huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cải tạo vườn tạp để nâng cao thu nhập.Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

“Huyện Như Xuân phấn đấu đến hết năm 2020, sẽ cải tạo được trên 800 ha, chiếm 100% số hộ có diện tích vườn tạp được cải tạo, xây dựng thành công xã Thượng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó  giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới tại khu vực vùng cao của tỉnh Thanh Hóa.”, ông Tuấn cho biết.

Nhờ cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện đã có 4 xã gồm: Bãi Trành, Hóa Quỳ, Xuân Bình, Cát Vân và 48 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là hơn 19 triệu đến nay tăng lên 31 triệu đồng/năm, số hộ nghèo giảm còn hơn 1.300 hộ.

Là huyện miền núi khó khăn, để cải tạo vườn tạp giúp người dân nâng cao thu nhập, giai đoạn 2015-2020, huyện Như Xuân đã huy động hơn 25.000 lượt người tham gia lao động trực tiếp tại địa phương để rào dậu vườn tược, chỉnh trang nhà cửa, phá bỏ cây trồng cũ kém hiệu quả, đào hố rác, trồng mới cây ăn quả, trồng rau, làm chuồng trâu, bò.

Người dân huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Người dân huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Đến nay, huyện Như Xuân đã huy động hơn 6,5 tỷ đồng để cải tạo vườn tạp, hướng dẫn trên 1.700 hộ thực hiện cải tạo, trồng mới được 474,851 ha. Do đó, diện tích trồng cây ăn quả tăng lên 394,751 ha, chủ yếu gồm các loại cây có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, quýt, táo, mít, chanh, na dai, ổi, xoài, nghệ và các loại cây khác, chủ yếu ở các xã Xuân Hòa, Bãi Trành, Xuân Bình, Cát Tân.

Ngoài ra, diện tích trồng các loại rau, đậu 59,6 ha gồm: rau đay, mồng tơi, rau dền, rau ngót, các loại rau cải, các loại đậu nhằm phục vụ bữa ăn và tăng thu nhập cho người dân như ở các xã: Yên Cát, Yên Lễ, Bãi Trành, Xuân Bình, Cát Tân, Bình Lương, Thanh Quân.

Anh Nguyễn Văn Hùng, xã Thanh Xuân cho biết, từ năm 2016, được hỗ trợ toàn bộ về giống, phân và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, anh đã cải tạo 0,7 ha vườn tạp của gia đình chuyển sang trồng nghệ. Sau hơn 4 tháng, diện tích nghệ của gia đình anh Hùng sinh trưởng, phát triển tốt và hiện đang giai đoạn hình thành củ. Chỉ sau 8 tháng gia đình anh Hùng đã thu hoạch được khoảng hơn 20 tấn củ, hiện thu hập bình quân của gia đình anh đạt 200 triệu đồng/năm.

Còn ông Mai Viết Dương, trú tại xã Hóa Quỳ cho hay, bằng nguồn hỗ trợ của UBND huyện Như Xuân, ông quyết định cải tạo 5 ha vườn tạp của gia đình chuyển sang trồng giống bưởi hồng, bưởi diễn. Khởi đầu gian nan, có những lúc ông nản do cây trồng chậm phát triển, tuy nhiên sai khi được cán bộ nông nghiệp xã tư vấn phương thức trồng mới có hiệu quả kinh tế cao nên ông đã thực hiện theo.

Để loài cây phát triển tốt, ông chăm sóc, vun vén, bón phân chất lượng và không để sâu phá hại mùa màng. Hiện vườn ông sau khi cải tạo đã phủ xanh bằng các loài cây hái quả bao gồm 150 gốc bưởi, nhiều cây ổi, na dai của gia đình ông Dương đang sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay đã mang lại nguồn thu ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình với thu nhập khoảng 90 triệu/năm.

Theo ông Đỗ Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lễ cho biết, phong trào cán bộ và nhân dân cùng cải tạo vườn tạp đã được địa phương thực hiện nghiêm túc và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Nhờ đó, thu hẹp các diện tích vườn tạp, nâng cao hiệu quả kinh tế, hiện hoạt động này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nhân dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng tươi đẹp hơn.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm