Các tỉnh Tây Nguyên chú trọng dạy tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số

Các tỉnh Tây Nguyên chú trọng dạy tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số
Nữ tiến sỹ người Ê đê Tuyết Nhung Buôn Krông tích cực góp phần vào việc bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN
Nữ tiến sỹ người Ê đê Tuyết Nhung Buôn Krông tích cực góp phần vào việc bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN
Những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đã tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh là người dân tộc thiểu số cho con em mình tự nguyện tham gia học tiếng dân tộc thiểu số do các trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tổ chức. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã sử dụng các bộ sách giáo khoa tiếng Êđê, Jrai, Bahnar, K’ho… bậc tiểu học từ lớp 3, 4 và lớp 5 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Riêng việc dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các trường phổ thông dân tộc nội trú được thực hiện ở các lớp 6, 7 và 8 theo chương trình, tài liệu của địa phương. Các tỉnh Tây Nguyên cũng tổ chức dạy 2 tiết /tuần, bố trí phòng học học, giáo viên, mua sắm đồ dùng dạy học, hỗ trợ sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập và vở viết cho học sinh dân tộc phục vụ tốt yêu cầu dạy và học cho các cháu. Từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cấp sách giáo khoa mới tiếng Êđê miễn phí cho 13.170 học sinh dân tộc Êđê thuộc 3 khối lớp 3,4, 5 và 133 giáo viên dạy tiếng dân tộc Êđê ở 106 trường tiểu học trên địa bàn. Các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng cũng đã trích ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng để in sách giáo khoa bằng tiếng dân tộc thiểu số tại chỗ, sách bài tập, mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ tốt yêu cầu dạy và học. Hầu hết, các giáo viên dạy tiếng dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các  tỉnh Tây Nguyên cũng đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm tại các trường Đại học, Cao đẳng và đã được học qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về chuyên ngành dạy tiếng dân tộc nên góp phần nâng cao chất lượng dạy học bằng tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh dân tộc. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang dạy tiếng Êđê, Jrai, Bahnar, K’hor, M’nông cho hàng chục ngàn học sinh tiểu học, trung học cơ sở là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông. Riêng tỉnh Đắk Lắk có trên 14.416 học sinh, ở 718 lớp của 124 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn đang được đào tạo tiếng dân tộc.
Quang Huy

Có thể bạn quan tâm