Các nhà khoa học Mỹ nêu giải pháp cân bằng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ "Hành tinh xanh"

Lúa là một nguồn lương thực quan trọng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Lúa là một nguồn lương thực quan trọng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng các khu đất lớn sang trồng trọt để đáp ứng nguồn cung lương thực sẽ làm tăng lượng khí phát thải gây hiện tượng nóng lên toàn cầu và tạo thêm gánh nặng cho những quốc gia nghèo hơn vốn đang chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ công bố ngày 19/1 trên tạp chí Nature Food.

Các nhà khoa học Mỹ nêu giải pháp cân bằng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ "Hành tinh xanh" ảnh 1Lúa là một nguồn lương thực quan trọng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học tại Đại học bang Arizona đã tiến hành phân tích 1.500 giao dịch mua bán các khu đất lớn có tổng diện tích 37 triệu ha ở Đông Nam Á, Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Âu. Kết quả cho thấy việc khai hoang đất để trồng trọt có thể đã sinh ra khoảng 2,3 gigaton khí thải carbon. Theo các nhà khoa học, với các quy định nhằm hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất hoặc để bảo vệ rừng, lượng khí thải có thể giảm xuống còn 0,8 gigaton.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư Chuan Liao tại Khoa Bền vững thuộc Đại học bang Arizona, cho rằng việc dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất là không thực tế trong bối cảnh dân số thế giới gia tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các nước vẫn cần phải cắt giảm lượng khí thải carbon trong khi theo đuổi phát triển nông nghiệp.

Giá lương thực trên thế giới đã tăng mạnh trong năm 2007, tạo ra "cơn sốt" đất ở nhiều nước với mục đích đảm bảo an ninh lương thực. Các quốc gia giàu có hơn và các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng nhắm tới các khu đất lớn ở các quốc gia nghèo hơn để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo kết quả một nghiên cứu công bố năm 2020, trên toàn thế giới, đất đai có xu hướng tập trung chủ yếu trong tay của các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các nhà đầu tư, với việc chỉ 1% số trang trại lớn nhất trên thế giới sử dụng hơn 70% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn cầu.

Theo Phó Giáo sư Chuan Liao, hiện có rất ít các quy định được ban hành nhằm hạn chế các thiệt hại về môi trường do mục tiêu của chuyển đổi mục đích sử dụng đất là tăng sản lượng lương thực. Ông cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất để cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp là cho phép phát triển nông nghiệp trên các vùng đất có trị số carbon thấp hơn hoặc có độ che phủ rừng thấp, cũng như thông qua việc "hồi sinh" các vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang để giảm lượng khí thải carbon tạo ra. Để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng gia tăng, chuyên gia trên cho rằng cần nâng cao sản lượng trên diện tích đất trồng trọt hiện có và thực thi các luật nhằm hạn chế chuyển đổi đất để "bảo vệ các khu rừng có trị số carbon cao trong khi cho phép phát triển nông nghiệp trên đất có trị số carbon thấp".

Carbon dioxide là khí thải nhà kính khiến nhiệt độ Trái đất gia tăng. Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong năm 2019, tổng lượng khí thải carbon dioxide trên thế giới đạt mức cao kỷ lục 59,1 tỷ gigaton. Lượng khí thải sinh ra từ hoạt động phát triển nông nghiệp và phá rừng chiếm gần 25% tổng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu - cao hơn lượng khí thải của ngành giao thông vận tải.

Phan An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm