Các làng nghề truyền thống Cố đô Huế sôi động vào vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu

Những bông hoa rực rỡ đều được làm bằng tay. Ảnh: Tường Vi/TTXVN
Những bông hoa rực rỡ đều được làm bằng tay. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Những ngày cuối năm, các làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên - Huế như làng nghề mứt gừng, bánh ngũ sắc, hoa giấy Thanh Tiên... tất bật bước vào vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm. Người dân các làng nghề tích cực sản xuất không kể ngày đêm để đưa hương vị Tết đến với mọi nhà.

Các làng nghề truyền thống Cố đô Huế sôi động vào vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu ảnh 1Những bông hoa rực rỡ đều được làm bằng tay. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Những ngày giáp Tết, các gia đình ở phường Kim Long, thành phố Huế lại tất bật đỏ lửa, cho ra lò những mẻ mứt gừng thơm ngon phục vụ Tết. Người dân ở làng nghề đã có hàng trăm năm này, tích cực sản xuất để kịp cung ứng hàng cho thị trường.

Tại Thừa Thiên – Huế có nhiều nơi làm mứt gừng nhưng mứt gừng Kim Long lại thơm ngon, mang hương vị đặc trưng không nơi nào sánh được. Ông Trần Hữu Nam, phường Kim Long cho biết, mứt gừng Kim Long được làm thủ công, không sử dụng hóa chất, phẩm màu, đặc biệt được làm với nguyên liệu gừng tươi trồng tại xứ Tuần nằm ở thượng nguồn sông Hương. Gừng nơi đây củ nhỏ nhưng dậy hương thơm và vị đậm đà. Khi làm mứt, người thợ chọn những củ gừng vừa phải, không già cũng không quá non. Nếu gừng non, mứt gừng làm ra sẽ không có độ cay, gừng già quá thì mứt lại có xơ.

Gừng sau khi được lấy từ cầu Tuần về, cạo sạch vỏ rồi bào thành từng lát mỏng ngâm với nước vo gạo để giảm bớt độ cay của gừng. Gừng thái lát mỏng được rửa sạch, vớt để ráo nước, đun nước sôi luộc gừng cùng với một ít chanh. Những lát gừng được thái mỏng ủ cùng với đường trắng với tỷ lệ cân bằng, trộn đều để gừng ngấm đường trong khoảng một giờ thì cho vào chảo lớn và rim gừng.

Theo ông Nguyễn Văn Dân, người có kinh nghiệm hơn 30 năm làm mứt gừng, công đoạn quan trọng nhất khi làm mứt là rim gừng. Khi rim gừng, phải đỏ lửa bằng than củi, đảo đều tay để những lát gừng không bị dính vào nhau. Khi mứt vừa khô thì cho ra khay, tiếp tục đảo để mứt khô đều và nguội mới cho vào bao bì đóng gói.

Bên cạnh phục vụ người dân địa phương trong dịp Tết, mứt gừng Kim Long còn có mặt tại các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh…. Mứt gừng được bán với giá từ 55.000 - 80.000 đồng/kg. Với người dân xứ Huế, ngày Tết trong nhà không thể thiếu mứt gừng và câu chuyện đầu năm cũng thường bắt đầu bằng đĩa mứt gừng và chén trà.

Không chỉ nổi tiếng với nghề làm mứt gừng, phường Kim Long còn được biết đến với món bánh ngũ sắc hay còn gọi là bánh tiến vua. Theo các cụ cao niên ở phường Kim Long, mỗi dịp Tết, dân làng thường làm loại bánh từ bột đậu xanh và đường để cung tiến các bậc vua, chúa trong thời nhà Nguyễn thưởng thức khi dùng trà. Trên mặt bánh còn khắc chữ “Thọ” với ý nghĩa cầu chúc cho nhà vua luôn trường thọ, sống lâu trăm tuổi, cũng vì thế mà loại bánh này còn có tên gọi là bánh tiến vua. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nghề làm bánh tiến vua nơi đây vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, lò làm bánh vẫn đỏ lửa những tháng giáp Tết.

Từ tháng 9 âm lịch, các gia đình ở phường Kim Long đã bắt tay vào sản xuất vụ bánh Tết. Để làm nên mỗi chiếc bánh phải trải qua nhiều công đoạn như: đãi đậu, nấu đậu, giã đậu, in bánh bằng khuôn, sấy bánh, gói bánh bằng giấy bóng ngũ sắc. Bàn tay thoăn thoắt cho bột vào khuôn bánh nhỏ như hộp diêm, bà Mai Thị Thúy Liên ở phường Kim Long cho biết, để làm được một chiếc bánh đạt yêu cầu, đòi hỏi người thợ phải tỉ mẫn trong từng các công đoạn. Đậu xanh phải chọn kỹ từng hạt mẩy, tròn, da đẹp, đều nhau. Đãi vỏ đậu không được mạnh tay và phải vút từng chút một để đậu không dầm, không nát. Khi in bánh phải in đều tay, đủ lực, hình trên bánh sẽ rõ ràng, không bị mờ cũng không vỡ bánh do lực quá nhiều. Sau đó, bánh được cho vào lò sấy khoảng 5 giờ rồi đưa ra ngoài để tiến hành gói bằng giấy bóng ngũ sắc.

Bánh ngũ sắc là loại bánh truyền thống được người Huế trước dùng để cúng ông bà, sau là để mời khách trong những ngày Tết. Để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, các lò bánh lại sản xuất thêm nhiều loại như bánh đậu ván, bánh đậu quyên, bánh bột nếp, bánh hạt sen …

Làng nghề Thanh Tiên thuộc xã phú Mậu, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên - Huế nổi tiếng hàng trăm năm với nghề làm hoa giấy cũng rộn ràng trong những ngày giáp Tết.

Hoa giấy thường được người dân đặt trên bàn thờ gia tiên, tế lễ đình chùa, thờ phụng. Hoa giấy Thanh Tiên có nhiều loài hoa khác nhau như mai, cúc, lan, đồng tiền, thược dược... và đều được làm thủ công. Các công đoạn từ vót tre, tẩm màu, cắt cánh hoa, nhụy hoa… đều sử dụng đôi tay khéo léo của người thợ. Công đoạn cuối cùng là tạo nếp nhăn trên hoa, tạo sự sống động cho cánh hoa như hoa thật và kết hoa lại thành từng cành.

Trước đây, người dân làng Thanh Tiên phải dùng một số loại lá cây để nhuộm giấy. Chẳng hạn màu vàng được nhuộm từ trái dành dành, màu tím từ hạt mồng tơi... Ngày nay, giấy làm hoa có đủ sắc màu được bán sẵn nên những người thợ đỡ tốn công sức hơn trước. Cũng vì vậy, dù trên thị trường dày đặc các sản phẩm hoa khác nhau thì hoa giấy Thanh Tiên vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu cho biết: Đầu tháng Chạp là thời điểm bận rộn nhất với nghề làm hoa làng Thanh Tiên. Tuy nhiên, từ những tháng mùa hè các gia đình trong làng đã thực hiện các công đoạn như chọn mây, chọn giấy, tạo màu, chặt tre, chẻ tre, phơi tre, vót nan, nhuộm tre, nhuộm giấy. Mùa Tết năm nay, gia đình bà làm khoảng 10.000 cành hoa để cung ứng cho thị trường.

Năm nay, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, nhiều vựa trồng hoa tươi ở Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại nặng nên xu hướng chọn mua hoa giấy trong các lễ cúng gia tiên, trang trí nhà cửa tăng cao. Tại cơ sở sản xuất, mỗi cặp hoa giấy được bán với giá từ 8.000 - 10.000 đồng; các khu vực trung tâm thành phố có giá cao hơn, từ 12.000 - 16.000 đồng.

Hoa giấy nhìn bề ngoài tuy đơn giản nhưng mỗi bông hoa khác nhau lại chuyển tải những lý thuyết Nho học của người phương Đông. Theo người dân ở làng Thanh Tiên, mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên bao giờ cũng có 8 hoa chính. Trong đó, 3 cành hoa ở giữa tượng trưng là Quân - Sư - Phụ cũng có thể là Thiên - Địa - Nhân hoặc Trung - Hiếu - Nghĩa. Đặc biệt, luôn luôn có một cái hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho mặt trời, đấng minh quân còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Tục xưa, hoa giấy được trang trí ở những nơi trang trọng như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và ông Táo.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, người làng Thanh Tiên đã cải tiến mẫu mã, làm nhiều loại hoa, đặc biệt là khôi phục làm hoa sen giấy, sau mấy chục năm thất truyền. Hoa sen giấy có thể sử dụng để trang trí trong gia đình, các lễ hội, sự kiện, cũng có thể đặt lên bàn thờ gia tiên. Hiện nay, hoa sen đã có mặt trên thị trường các tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. Người làm hoa của làng có việc làm quanh năm. Sản phẩm của làng Thanh Tiên cũng có mặt tại các kỳ Festival Huế, Festival làng nghề Huế, Lễ hội áo dài… mà còn theo chân các du khách đi khắp mọi miền đất nước như Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Hà Nội và ra cả nước ngoài như Mỹ, Pháp, Thái Lan…

Không khí Tết đã rộn ràng khắp nơi, sắc Xuân đã đến với mọi nhà, đặc biệt hàng chục làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng trở nên sôi động hơn trong dịp Tết như làng nghề truyền thống bánh chưng, bánh tét Chuồn, làng hương Thủy Xuân, làng bánh thuẫn Hiền An, nghề tranh làng Sình... Người dân nơi đây, đang khẩn trương chạy đua với thời gian để đưa sản phẩm ra thị trường, mang hương vị Tết đến mọi nhà cũng như giữ gìn nghề truyền thống của ông cha và bảo tồn nét văn hóa ẩm thực của vùng đất Cô đô mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm