Các làng hoa vùng lũ ở Thừa Thiên – Huế nhộn nhịp chuẩn bị sản phẩm cho vụ Tết

Vụ hoa Tết Tân Sửu năm nay, các làng hoa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ các đợt bão lũ đặc biệt lớn và tình trạng rét đậm rét hại kéo dài. Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân đang nỗ lực bám vườn, áp dụng biện pháp kỹ thuật và chăm sóc để các vườn hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.

Cac lang hoa vung lu o Thua Thien – Hue nhon nhip chuan bi san pham cho vu Tet hinh anh 1Nông dân tỉa bỏ các cành, nhánh phụ và nụ con để hoa nở đúng dịp Tết . Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy, các đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 đã khiến 33,7 ha trồng hoa và 46.000 chậu hoa các loại của nông dân trên địa bàn bị hư hại.

Sau bão lũ, các địa phương đã kịp thời thống kê thiệt hại, động viên và hỗ trợ một phần kinh phí giúp người dân tái sản xuất. Các làng hoa truyền thống cũng nỗ lực khôi phục thiệt hại, ổn định sản xuất, tập trung trồng những loại ngắn ngày để kịp cung ứng cho thị trường Tết.

Tại làng hoa Dạ Lê Chánh, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, những ngày này, không khí trở nên nhộn nhịp và hối hả hơn. Vụ hoa Tết năm nay, gia đình ông Nguyễn Đắc Lộc, làng Dạ Lê Chánh, xã Thủy Vân trồng 1.000 chậu hoa cúc vàng. Sau các đợt mưa lũ lịch sử, gần 1/3 số hoa trong vườn của gia đình bị thiệt hại. Nhờ kinh nghiệm gần 20 năm chuyên trồng hoa Tết, ông Lộc đã đầu tư chăm sóc, khôi phục vườn hoa, sẵn sàng cung ứng cho thị trường. Hiện 80% số hoa trong vườn của ông đã được thương lái đặt mua nên gia đình đang tập trung thực hiện những công đoạn chăm sóc cuối cùng.

Vụ hoa Tết năm nay, xã Thủy Vân trồng hơn 60.000 chậu hoa Tết các loại. Trước đó, nhiều diện tích hoa Tết ở đây đã bị hư hại nặng do ngập úng, sâu bệnh.

Cac lang hoa vung lu o Thua Thien – Hue nhon nhip chuan bi san pham cho vu Tet hinh anh 2Bà con nông dân tích cực chăm sóc hoa. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Nhiều nơi, bà con phải nhổ bỏ, lỡ mùa vụ không tiếp tục trồng mới. Để duy trì hoa bán Tết và đảm bảo nguồn thu nhập, các gia đình đã khắc phục khó khăn, khôi phục những chậu hoa ít hư hại và trồng bổ sung thêm một số giống ngắn ngày như hoa thọ, thược dược, thạch thảo, địa thảo…

Hiện vườn hoa đang phát triển tốt. Mặc dù chất lượng không đạt như mọi năm nhưng hoa nở đúng dịp Tết nên người trồng vẫn hy vọng có thu nhập cao để bù đắp lại thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, xen lẫn giữa những vườn hoa đang hé nụ là bóng dáng các chủ vườn đang tất bật với công việc chăm sóc cây. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân tích cực bám vườn, chăm sóc cây, tưới nước... Gia đình anh Lê Văn Rô, xã Phú Thượng trồng gần 1.000 chậu hoa cúc vàng. Từ tháng 6 âm lịch, anh đã chuẩn bị máy móc, làm đất, xuống giống. Tuy nhiên, mưa lũ liên tiếp đã gây thiệt hại gần 300 chậu cúc.

Gần một tháng nay, cả gia đình luôn có mặt trên vườn từ sáng sớm đến tối muộn để tưới nước, tỉa bỏ các cành, nhánh phụ và nụ con, chỉ để lại một nụ ở chính giữa để cây nuôi dưỡng hoa chính to, đẹp. Bàn tay khéo léo ngắt những nụ con, anh Lê Văn Rô chia sẻ, thời tiết năm nay bất lợi, không chỉ bão lũ liên tiếp gây thiệt hại lớn mà các nhà vườn còn đối mặt với mưa rét kéo dài, sương muối. Vì vậy, khâu chăm sóc hoa vất vả, tốn kém hơn mọi năm.

Để hoa nở đúng dịp Tết, anh đã đầu tư kinh phí để mua phân bón thúc, thuốc kích để cây phát triển, kết nụ; đồng thời, làm mái che và lắp đặt hệ thống đèn điện công suất lớn để điều tiết sự sinh trưởng của hoa. Niềm vui được ghi nhận là giá hoa năm nay cao hơn mọi năm, dao động từ 20.000 – 40.000 đồng mỗi chậu.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 46 ha hoa phục vụ Tết Nguyên Đán, tập trung ở các làng hoa truyền thống như huyện Phú Vang, Hương Thủy, Quảng Điền và thành phố Huế. Bên cạnh các loài hoa truyền thống như cúc, hồng, hoa vạn thọ, mào gà, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều hộ gia đình đã đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng để trồng thêm các loài hoa như đồng tiền, ly, cẩm chướng, lan hồ điệp...

Tại các làng hoa truyền thống, không khí Tết sớm đã hiện hữu. Những nụ hoa đang dần khoe sắc, thương lái cũng tấp nập về tận vườn hoa để thu mua; người nông dân cần mẫn chăm bón, chuẩn bị những khâu cuối cùng để mang sắc xuân đến với mọi nhà.

Tường Vi

Tin liên quan

Báo hiệu một mùa hoa Tết thuận lợi ở Kiên Giang

Đến thời điểm này, đầu tháng 11 âm lịch, những nụ cúc mâm xôi ở vườn hoa cảnh ấp Hòa Bình, xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đang lớn dần, xanh tốt, báo hiệu một mùa hoa Tết thu lợi nhuận khá cho bà con làm nghề trồng hoa cúc trưng Tết nơi đây.


Tăng thu nhập từ trồng hoa tết ở Bình Phước

Thành phố Đồng Xoài thuộc tỉnh Bình Phước ngày càng phát triển, nhu cầu chưng hoa dịp tết của người dân cũng đa dạng. Hoa từ các nơi về Đồng Xoài phục vụ nhu cầu dịp tết và rằm tháng giêng rất đẹp, nhiều chủng loại để người dân chọn lựa. Tuy nhiên, hoa cúc và vạn thọ trồng tại Đồng Xoài vẫn có “chỗ đứng” trong đô thị nhộn nhịp và đang ngày càng phát triển này.


Làng hoa Tây Tựu, Hà Nội rộn ràng chuẩn bị mùa hoa Tết Canh Tý

Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 20 km về phía Tây, làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nổi tiếng với nghề trồng hoa, là nơi cung cấp hoa chủ lực cho Thủ đô và các vùng lân cận. Đón Tết Nguyên đán Canh Tý, nông dân nơi đây đã bắt đầu chuẩn bị các khâu gieo trồng, xuống cây, nghe ngóng thời tiết và tràn đầy hy vọng cho một mùa bội thu.


Nhà vườn Kon Tum chuẩn bị cho mùa hoa Tết

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết cổ truyền dân tộc, người dân trồng hoa tại tỉnh Kon Tum cũng tất bật vào vụ. Thời điểm này là lúc người trồng tách hoa từ luống ươm hạt, cây con cho vào từng chậu để tiện chăm sóc, xuất bán.


Làng hoa Tết phơi phới vào vụ

Đối với những người làm nghề trồng hoa Tết, càng gần đến Tết càng là những ngày bận rộn, bởi thành quả lao động của một năm giờ đã đến lúc “gặt hái”.


Gia Lai: Nhà vườn chuẩn bị cho vụ hoa Tết

Khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Thời điểm này, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh đang tất bật các công đoạn xuống giống, bón phân, chăm sóc hoa để chuẩn bị phục vụ cho thị trường Tết.



Đề xuất