Các huyện miền núi Quảng Ngãi đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

Các huyện miền núi Quảng Ngãi đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

Dù còn nhiều khó khăn, nhiều địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Ngãi luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Gần đây, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân xã Ba Động, huyện Ba Tơ không còn cảnh người dân chen lấn để giải quyết thủ tục hành chính như trước. Kết quả này có được là nhờ Ủy ban nhân dân xã đã nỗ lực thực hiện tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Anh Phạm Văn Tính, xã Ba Động cho biết, đến xã để làm thủ tục khai sinh cho con, anh rất hài lòng về kết quả giải quyết cũng như cách ứng xử, giao tiếp, tinh thần trách nhiệm của công chức làm việc tại Bộ phận "một cửa" của xã.

Theo ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ba Động, những thủ tục hành chính nào có thể thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, công chức phụ trách lĩnh vực đó sẽ hướng dẫn người dân đến giao dịch đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt công sức, thời gian đi lại.

Tại Bộ phận "một cửa" của huyện Ba Tơ, danh mục dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh được niêm yết công khai. Đồng thời, công chức, viên chức được bố trí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến, xử lý hồ sơ cũng như thông báo kết quả đến doanh nghiệp, người dân một cách nhanh chóng, chính xác.

Bà Võ Thị Bích Lê, Phó Chánh Văn phòng huyện Ba Tơ cho biết: Qua một thời gian thực hiện, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện dần tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong 3 tháng (9,10, 11/2022), các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được thực hiện tập trung trên các lĩnh vực như: Chứng thực, hộ tịch; thành lập và hoạt động doanh nghiệp/hộ kinh doanh; bảo vệ môi trường, đất đai... Một số cơ quan, đơn vị đã và đang tích cực triển khai, từng bước phát huy hiệu quả việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như các phòng: Tài chính - Kế hoạch, Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn. Từ tháng 1/2022 đến cuối tháng 11/2022, huyện đã tiếp nhận khoảng 7.500 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tiếp khoảng 6.000 hồ sơ tại bộ phận một cửa ở cấp huyện và xã.

"Kết quả trên cho thấy, số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở huyện Ba Tơ có sự cải thiện rõ nét so với thời gian trước. Đây là sự nỗ lực của các cơ quan có hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện trong thực hiện các giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến", bà Võ Thị Bích Lê cho hay.

Các huyện miền núi Quảng Ngãi đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ảnh 1Công chức Văn phòng UBND xã Sơn Mùa (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: baoquangngai.vn

Sơn Tây là huyện miền núi có nhiều xã, xóm xa trung tâm; cơ sở hạ tầng, mạng Internet vẫn còn hạn chế; có khoảng 90% người Ca Dong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Xơ Đăng). Mức sống người dân trên địa bàn chưa cao. Người dân địa phương đa số không biết sử dụng máy tính, không hiểu về dịch vụ công trực tuyến. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây xác định việc quan trọng trước tiên là phải tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng, đổi mới tác phong làm việc cho cán bộ, công chức các phòng, ban và Ủy ban nhân dân các xã.

Thời gian đầu, cán bộ các xã phải hướng dẫn người dân kê khai đầy đủ thông tin hồ sơ qua giấy, sau đó để người dân tự nhập thông tin lên hệ thống. UBND xã cử cán bộ hỗ trợ người dân cập nhật các giấy tờ liên quan; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn để người dân có thể thao tác tương tự trên điện thoại thông minh; vận động cán bộ xã, đoàn viên thanh niên đến từng hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân các thôn, xóm vùng sâu, vùng xa tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho biết: Số hồ sơ trực tuyến vẫn chưa cao như mong muốn, nhưng so với năm 2021 đã tăng hơn gần 20%. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc phát triển chính quyền điện tử trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính; đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp; tích cực thực hiện chuyển đổi số.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trong năm 2022, toàn tỉnh có 224.643 hồ sơ trực tuyến một phần (mức độ 3) và toàn trình (mức độ 4). Trong đó, hồ sơ một phần và toàn trình cấp huyện là hơn 130.000, nhưng 5 huyện miền núi chỉ có hơn 23.000 hồ sơ.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số, nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, thời gian tới, Ủy ban nhân dân các huyện miền núi trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức linh hoạt, bảo đảm việc triển khai hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, đơn vị.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm